Chị Ngũ Cẩm Yến – Chủ tịch Hồi LHPN phường Đức Nghĩa cho biết: Là thành viên Ban chỉ đạo bảo vệ chăm sóc trẻ em phường nên bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm trọng tâm trong công tác hội thì hoạt động chăm lo và bảo vệ trẻ em cũng được Hội phụ nữ phường đặc biệt quan tâm. Thông qua tổ chức hội kết hợp với công tác vận động Hội phụ nữ phường thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực, như: nhận đỡ đầu, thăm tặng quà nhân các ngày lễ tết …để giúp đỡ, động viên các em. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid19 các năm trước, hội cũng đã phối hợp với các đoàn thể và các mạnh thường quân có nhiều hoạt động để chăm sóc các em, nhất là các em thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn, khuyết tật, các em nằm trong diện cách ly, phong toả. Hiện Hội LHPN phường đang thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho 05 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ mồ côi – mỗi tháng từ 300 đến 500 ngàn đồng và 10kg gạo tùy đối tượng. Bà Quế Ngọc Lan Anh – Phó Chủ tịch UBND phường kiêm Trưởng Ban chỉ đạo bảo vệ chăm sóc trẻ em phường Đức nghĩa cho biết: “Là phường nằm ở trung tâm TP lại có hoạt động dịch vụ thương mại khá phát triển nhưng hiện địa phương vẫn còn nhiều trẻ em thuộc diện khó khăn, nghèo. Chính vì vậy các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được địa phương quan tâm lãnh đạo. Theo thống kê tính đến đầu năm 2023 toàn phường Đức Nghĩa có số trẻ em dưới 16 tuổi là hơn 2.100 em- chiếm tỷ lệ 20,3% dân số toàn phường, trong đó, trẻ dưới 6 tuổi có gần 700 em và số trẻ từ 6 đến 16 tuổi là hơn 1.200 em. Trong số này, số trẻ em thuộc hộ nghèo là 24 trẻ, trẻ em mồ côi là 49 trẻ gồm 03 trẻ mồ côi cả cha và mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng, 46 trẻ còn lại là mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ. Quan tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hàng năm 100% trẻ sinh ra đều được cấp giấy khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và được tiêm chủng đầy đủ và việc huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt trên 95%, trẻ trong độ tuổi lớp 1 đạt 100% và trẻ em tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 95%. Cùng với các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ tại địa phương thông qua các hoạt động phối hợp với các thành viên chỉ đạo trong công tác giáo dục và chăm sóc y tế, UBND phường còn phối hợp lập danh sách đề nghị Ban quản lý “dự án Terre des home - Đức” của thành phố cấp học bổng cho các em học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn; cấp học bổng từ nguồn Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” và lập hồ sơ hỗ trợ học tập từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của thành phố”.v.v.
Phó Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa cũng cho biết: Song song với việc trợ giúp cho các em trong việc học tập và đời sống, phường còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với nhiều hình thức phong phú, đa dạng tạo sân chơi lành mạnh cho các em như: chỉ đạo cho Đoàn phường tổ chức các hoạt động sinh hoạt trong dịp hè, tuyên truyền phổ biến luật an toàn giao thông, ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, rước đèn Trung thu cho các em có hoàn cảnh nghèo và khó khăn tại địa phương. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em nên đã từng bước thay đổi về hành vi, tập quán nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em trong các tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, số trẻ em bị suy dinh dưỡng năm sau thấp hơn năm trước, trẻ em ra lớp mẫu giáo và tốt nghiệp trung học cơ sở năm sau cao hơn năm trước và số trẻ em bỏ học giảm. Với những kết quả tích cực nói trên, năm 2022, Đức Nghĩa tiếp tục được công nhận duy trì đạt chuẩn mô hình xã phường phù hợp với trẻ em. Quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Đức Nghĩa cũng xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này để qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ban ngành đoàn thể và mỗi người dân, đặc biệt là sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để ngày một làm tốt hơn công tác này.
Phòng Lao động, thương binh và xã hội TP Phan Thiết cho biết; Mô hình xã phường phù hợp với trẻ em là mô hình được triển khai thực hiện theo quyết định số 06, ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình được đánh giá thẩm định vào tháng 11 năm thứ 2 và tháng 11 năm thứ 4 của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm dựa trên 13 tiêu chí cụ thể, gồm: Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; Trẻ em được khai sinh đúng quy định; Trẻ em bị xâm hại; Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy; Trẻ em bị tai nạn, thương tích; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; Trẻ em được tiêm chủng; Trẻ em suy dinh dưỡng; Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; Trẻ em đến trường, lớp mầm non; Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Hoạt động vui chơi dành cho trẻ em và mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em. Kết quả thực hiện xã, phường phù hợp với trẻ em được xác định là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành mục tiêu về trẻ em trong các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện theo các quy định, tiêu chí nêu trên và căn cứ vào các kế hoạch, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, vào tháng 11/2022 TP Phan Thiết cũng đã tổ chức thẩm định và đề nghị Ban chỉ đạo TP công nhận 8/18 xã phường đạt chuẩn mô hình xã phường phù hợp với trẻ em năm 2022, gồm: Hàm Tiến, Thanh Hải, Đức Thắng, Lạc Đạo, Đức Nghĩa, Hưng Long, Xuân An và Phong Nẫm. Các xã phường còn lại chưa đạt vì một số tiêu chí bị điểm liệt do có tình trạng trẻ tử vong do đuối nước, trẻ bị xâm hại.v.v. Để triển khai thực hiện mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em, những năm qua, TP Phan Thiết luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại địa phương. Theo đó, với chức nang của mình, Phòng LĐTB&XH TP đã tham mưu cho Thành uỷ, UBND TP tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền trong việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, thông qua việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo, điều hành; bố trí nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đưa chỉ tiêu xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương để qua đó phát huy sức mạnh của tập thể và mỗi cá nhân trong việc đảm bảo cho trẻ em đều được bảo vệ và có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
Tính đến cuối năm 2022, TP Phan Thiết có trẻ em dưới 16 tuổi là 46.641 trẻ, chiếm tỉ lệ 18,61% dân số toàn thành, trẻ dưới 6 tuổi là 14.298 chiếm tỷ lệ 5,71%; trẻ ở tuổi vị thành niên từ 17 đến 18 tuổi là 6.265 trẻ - chiếm tỷ lệ 2,50%. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và sự quan tâm đóng góp hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động can thiệp hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em được triển khai, qua đó đã trợ giúp cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, hạn chế tỉ lệ trẻ em bỏ học giữa chừng và ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật. Đơn cử như việc trợ giúp trong giáo dục thông qua các hoạt động cấp học bổng, hỗ trợ đồ dùng học tập, hỗ trợ học nghề, các chính sách miễn giảm học phí và trợ giúp thường xuyên theo quy định của Chính phủ đã được giải quyết kịp thời cho các em học sinh thuộc diện mồ côi, hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm giúp cho các em có điều kiện vươn lên trong học tập. Ngoài ra, được sự đồng tình ủng hộ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, từng bước tạo cơ hội cho trẻ em được đến trường, ngăn chăn tình trạng trẻ bỏ học đi lang thang, lao động sớm và vi phạm pháp luật. Tính riêng trong năm 2022 vừa qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố đã vận động các nhà hảo tâm để tổ chức chương trình “Cây mùa xuân” tặng 230 phần quà cho trẻ em mồ côi và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 69 triệu đồng; tổ chức trao 20 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng mỗi suất trị giá triệu đồng; hay như công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA tổ chức trao 30 chiếc xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 54 triệu đồng. Và nhân tháng Hành động vì trẻ em, Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức khai mạc “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2022, đã trao 64 suất học bổng và 15 chiếc xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí là 71 triệu đồng. Cũng trong năm qua, TP đã cấp học bổng bằng dụng cụ học tập cho 385 em học sinh nghèo với tổng kinh phí 192,5 triệu đồng, hỗ trợ học phí 22 em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 59 triệu đồng, do Dự án “Hỗ trợ các biện pháp nhằm cải thiện tình hình lao động trẻ em” của tổ chức Terre Des Hommes Đức tài trợ cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.