Thành phố Phan Thiết được xem là Thành phố du lịch xanh, thân thiện, nghĩa tình; đã được xem là nơi nghỉ dưỡng được xếp hạng cùng với các nơi khác trong nước và ngoài nước. Nhưng vấn đề rác thải, chất thải vứt bỏ ra những nơi công cộng, những nơi đông dân cư sinh sống, những đường phố trong trung tâm thành phố là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Trước thực trạng chưa có giải pháp hữu hiệu làm sạch môi trường để thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế địa phương, cũng như mang lại môi trường sống trong lành cho mọi người dân thành phố; ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tại Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiều đại biểu đã phát biểu rất tâm huyết về vấn đề môi trường và có nhiều ý tưởng đưa ra giải pháp khắc phục. Từ những bức xúc thực tiễn đặt ra và Nghị quyết Đại hội cũng ghi nhận, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Phan Thiết quyết tâm xây dựng Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 09/7/2020 của Thành ủy triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân Phan Thiết không xả rác thải, nước thải, chất thải ra đường phố và khu vực công cộng” trên địa bàn thành phố. Từ cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 6050/KH-UBND ngày 04/9/2020 triển khai thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ từng khâu, từng việc theo Chỉ thị của Thành ủy. Đồng thời, ban hành Thông báo số 570/TB-UBND ngày 25/9/2020 về việc nghiêm cấm xả rác, đổ rác thải không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các địa phương triển khai đến các hộ kinh doanh, Nhân dân được biết và tham gia ký Bản cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau đó, UBND thành phố tổ chức Hội nghị phát động, các địa phương đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, triển khai cho các hộ dân ký cam kết bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân để từng bước thay đổi hành vi, thói quen sống, góp phần bảo vệ sức khỏe, đời sống của Nhân dân và mỹ quan đô thị của thành phố.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng đến từng hộ gia đình, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức và cách làm rất linh động và phù hợp với thực tiễn từng địa bàn dân cư; tổ chức phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khắp các địa bàn phường, xã; khu phố, thôn; từng tổ tự quản trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền và thực hiện thu gom rác thải bằng hành động ngày cuối tuần Xanh - Sạch - Đẹp vì môi trường sống trong lành;... đã giải quyết những bức xúc, điểm nóng về môi trường và đạt được một số kết quả rất tích cực như:
- Trong công tác tuyên truyền: UBND các phường, xã đều ban hành kế hoạch cụ thể của địa phương và hàng ngày tổ chức tuyên truyên đến Nhân dân bằng nhiều hình thức như: Phát loa di động, phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phường, xã, phát tờ rơi, tổ chức các cuộc ra quân diễu hành, lắp pa-nô tuyên truyền,... Thống kê danh sách các điểm rác và xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh vào ngày chủ nhật hàng tuần.
- Triển khai cho các hộ dân, hộ kinh doanh ký cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường: Năm 2021 đã có 25.366 hộ ký cam kết, năm 2022 đã có 23.475 hộ ký cam kết, Quý I năm 2023 đã có 19.595 hộ ký cam kết.
- Thiết lập đường dây nóng hoặc ứng dụng công nghệ (facebook, zalo, mail phản ánh, …): Các phường, xã đều có số điện thoại và sử dụng công nghệ (facebook, zalo, mail phản ánh, …) để người dân được biết, phản ánh và xử lý kịp thời. Ngoài ra, UBND thành phố đã thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) thành phố Phan Thiết, trong đó triển khai thí điểm Hệ thống Phản ánh hiện trường trên nền tảng điện thoại dùng hệ điều hành Android, IOS cho người dân (Phan Thiết-S). Đến nay, ứng dụng Phan Thiết-S đang được người dân thành phố sử dụng để phản ánh về mọi mặt đời sống xã hội đến chính quyền thành phố; đến nay đã tiếp nhận và xử lý đầy đủ và có kết quả những phản ánh liên quan đến vệ sinh môi trường của người dân và tổ chức, được đánh giá khá tốt.
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm, các địa phương đã triển khai lập chốt canh trực và xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn các phường, xã với 30 chốt cố định và các chốt di động. Bên cạnh đó, các địa phương đã lắp đặt 144 camera phục vụ công tác xử lý vi phạm về môi trường; trong đó, có 74 camera an ninh tại các địa phương và 70 camera giám sát các khu vực, tuyến đường có phát sinh rác. Bên cạnh đó, UBND các phường, xã đã ban hành Quyết định thành lập Tổ kiểm tra xử lý về môi trường để thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, kết quả như sau: + Năm 2021: Xử phạt 01 trường hợp với số tiền 350.000 đồng + Năm 2022: Xử phạt 08 trường hợp với hành vi bỏ rác thải không đúng nơi quy định với tổng số tiền 5.350.000 đồng. + Quý I năm 2023: Xử phạt 05 trường hợp với hành vi bỏ rác thải không đúng nơi quy định với tổng số tiền 4.750.000 đồng. Ngoài ra, lập biên bản nhắc nhở 15 trường hợp. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra xử lý về môi trường của thành phố cũng thường xuyên kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình kinh doanh trên địa bàn thành phố, kết quả như sau: + Năm 2022: Xử phạt 22 trường hợp (11 tổ chức, 11 hộ gia đình) với hành vi xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép với tổng số tiền 242.800.000 đồng. + Quý I năm 2023: Xử phạt 13 trường hợp (9 tổ chức, 3 cá nhân) với hành vi xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép với tổng số tiền 57.800.000 đồng, trong đó phạt cảnh cáo 01 tổ chức.
- Đối với việc xây dựng phương án thu gom, vận chuyển rác bờ biển, các địa phương ven biển cũng đã triển khai thực hiện. Thường xuyên ra quân tổng vệ sinh khu vực dọc sông Cà Ty và khu dân cư ven biển thực hiện đều có sự chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TU của Thành ủy vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc: Một số địa phương dân cư đông đúc nên công tác vệ sinh môi trường vẫn còn chưa bảo đảm; các hộ dân vứt các loại rác thải như cành cây không chặt nhỏ, bó gọn nên gây khó khăn cho công nhân thu gom. Ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường xả rác vào ban đêm, sáng sớm tại các khu vực vắng, xa khu dân cư và không có camera giám sát, thiếu lực lượng canh trực nên việc phát hiện, xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số đối tượng người địa phương này lại bỏ rác trên địa bàn địa phương khác, khi bỏ rác đeo khẩu trang, che chắn không thể nhìn rõ mặt nên việc xác định danh tính các đối tượng bỏ rác sai quy định qua camera cũng mất nhiều thời gian. Các lô đất trống tại các khu dân cư chưa được quản lý tốt, cây, cỏ dại mọc nhiều dẫn đến phát sinh điểm tập kết rác....
Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân toàn thành phố Phan Thiết đã đồng lòng, tích cực tham gia thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 09/7/2020 và Kế hoạch số 6050/KH-UBND ngày 04/9/2020 của UBND thành phố; đến nay tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố tương đối tốt hơn, các điểm nóng phát sinh rác thải đã được tổng vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ. Công tác quản lý chất thải rắn, rác thải xây dựng được thành phố chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện khá tốt. Điều đó cho thấy Chỉ thị được ban hành, triển khai hợp với lòng dân nên đã mang lại hiệu quả tích cực.
Để tiếp tực thực hiện Chỉ thị có hiệu quả hơn trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị toàn thành phố và Nhân dân Thành phố cần nhận thức sâu sắc rằng: Việc thu gom, xử lý rác thải nhất là rác thải sinh hoạt đô thị cũng đang là vấn đề nóng cấp thiết trên địa bàn thành phố, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để từng bước tạo môi trường sống an toàn cho cộng đồng, xây dựng cảnh quan thành phố Xanh - Sạch - Đẹp. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo; thực hiện mạnh chế tài xử lý theo quy định các trường hợp cố tình vi phạm để làm gương cho mọi người, tiến đến nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về thực hiện môi trường Xanh, cuộc sống tốt, sức khỏe tốt cho cả cộng đồng.