Đối với giai cấp công nhân Việt Nam, tuy ra đời muộn (trong những năm đầu thế kỷ XX, gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương). Trải qua mấy chục năm phát triển, giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh và có vai trò to lớn trong tiến trình cách mạng nước ta; thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân là người lãnh đạo, đồng thời cũng là một trong những lực lượng cơ bản, chủ yếu của cách mạng và thực sự là lực lượng đi đầu trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt nam đã và đang trãi qua những biến động về cơ cấu, số lượng, tâm lý, tư tưởng, phong cách lao động... Cũng chính vì thế, đã có biểu hiện coi nhẹ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, giai cấp công nhân trên toàn thế giới nói chung, giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng cần có một cái nhìn nhận thức đúng đắn về vai trò của họ; trong sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là vấn đề thời sự cấp bách và lâu dài của Đảng và Nhà nước ta đề ra. Trên cơ sở Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Kết luận số 79-KL/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị khoá XI về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Cụ thể, chúng ta cần nhận thức đúng đắn những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về vai trò và sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam sau đây:
Thứ nhất: Giai cấp công nhân là con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp, được nền đại công nghiệp rèn luyện, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh; từ đó họ làm được cuộc cách mạng giành chính quyền, giải phóng con người, xây dựng xã hội mới, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân mới là mục tiêu cuối cùng của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được sứ mạnh này, giai cấp phải có chính đảng lãnh đạo, thông qua chính đảng của mình để đề ra cương lĩnh cách mạng, đường lối chiến lược, sách lược, phương pháp hình thức cách mạng đúng đắn để cuốn hút các lực lượng khác đi theo mình để làm cách mạng đến thắng lợi cuối cùng (nồng cốt là liên minh công, nông và tầng lớp trí thức). Sự thực đã được chứng minh bằng việc Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930 là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam; nó đã chứng minh giai cấp công nhân Việt Nam trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng; qua đó đã đánh dấu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong cách mạng Việt Nam đã được xác lập trên thực tế, mở ra một thời đại mới cho cách mạng Việt Nam. Với vai trò này đã trở thành nguyên tắc hàng đầu trong suốt qúa trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến giai đoạn hiện nay.
Thứ hai: Trong điều kiện hiện nay, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ gắn liền với quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ; đất nước ta trong tiến trình đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phải xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngang tầm với nhiệm vụ mới là một tất yếu khách quan. Để làm được việc này thì phải xây dựng giai cấp công nhân có trình độ học vấn cao, chuyên môn nghề nghiệp giỏi, giác ngộ về lợi ích giai cấp, vững vàng về chính trị tư tưởng và rèn luyện tác phong lao động công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật. Vì vai trò của giai cấp công nhân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được khẳng định bằng chính sự lao động sáng tạo của mỗi người công nhân và các tập thể lao động góp sức lại.
Thứ ba: Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực cho giai cấp công nhân phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, không thể thiếu được trong việc phát huy vai trò của giai cấp công nhân, vì các chính sách đó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm, sự hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của người công nhân; làm sao để người công nhân thực sự phục vụ hết khả năng của mình cho xã hội, cho đất nước theo đúng vai trò, sứ mệnh của họ đã đặt ra.
Thứ tư: Tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị để xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân, bởi giai cấp công nhân thông qua đảng của mình để sử dụng hệ thống chính trị như một công cụ sắc bén hữu hiệu để thực hiện vai trò lịch sử của mình là xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do đó sự vững mạnh và hiệu lực thực thi tốt của hệ thống chính trị là điều kiện cơ bản bảo đảm cho giai cấp công nhân thực hiện thắng lợi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình. Trong đổi mới hệ thống chính trị cần quan tâm đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn, vì sức mạnh của giai cấp công nhân gắn liền với hoạt động và sự lớn mạnh của Công đoàn Việt Nam theo dòng lịch sử.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xu thế chung của toàn thế giới, là con đường tất yếu để đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu thành một nước công nghiệp; đồng thời, là phương thức, là điều kiện để giai cấp công nhân thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình đối với dân tộc và Tổ quốc. Để xứng đáng là lực lượng lãnh đạo, lực lượng cơ bản chủ yếu đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, vững vàng về chính trị tư tưởng, có trình độ học vấn cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi là yêu cầu khách quan và là đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay.