Thực chất của “tự soi, tự sửa” chính là thường xuyên “tự phê bình”, tự điều chỉnh mình, “như một thói quen rửa mặt hàng ngày”. Soi, sửa bao gồm soi, sửa về nhận thức, về hành động, về đạo đức lối sống, tác phong lề lối làm việc... để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, ngang tầm, có hành động tích cực, hiệu quả, đưa lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân, cho tổ chức đảng và để chính bản thân mình có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, văn minh, liêm khiết. Nhưng so với “tự phê bình” thì “tự soi, tự sửa” có phạm vi rộng hơn. Bởi tự soi, tự sửa không chỉ tự nhận thấy mỗi hạn chế, khiếm khuyết, sai phạm của bản thân để sửa đổi, ngăn chặn, khắc phục mà qua “tự soi”, mỗi cán bộ, đảng viên còn nhìn nhận thấy năng lực, thế mạnh, mặt tốt của bản thân để tiếp tục phát huy theo hướng đúng đắn, theo con đường cách mạng chân chính chứ không ngủ quên trên hào quang, tự thỏa mãn; là thấy cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy, nhận rõ cái xấu, cái sai, cái ác để quyết tâm sữa chữa, khắc phục. Chỉ khi mỗi người nhận định đúng, đủ, công tâm về hai mặt tốt - xấu, đúng - sai, giữa năng lực và hạn chế của chính mình thì khi đó mới phát huy hết giá trị của bản thân, mới ngày càng tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Chuẩn mực đạo đức cách mạng chung nhất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giải quyết mối quan hệ “với tự mình” bao gồm những giá trị về: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. ”: Người quan niệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người”
Nên “Tự soi, tự sửa” nhằm phát huy “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với ý nghĩa đó, “tự soi” việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ giúp cán bộ, đảng viên kịp thời tu dưỡng, rèn luyện và phát hiện những hạn chế, vi phạm trong lao động, công tác, sinh hoạt, trong giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong lề lối làm việc nhằm có biện pháp “tự sữa”, tự khắc phục, tự bài trừ để trở thành người cán bộ, đảng viên uy tín, đạo đức, liêm chính. Thì người cán bộ, đảng viên phải:
“Tự soi, tự sửa” để chống chủ nghĩa cá nhân: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm” và “địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Người chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân là một trong ba kẻ địch nguy hiểm của người cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân có những biểu hiện rất đa dạng, lúc tinh vi, kín đáo, lúc lộ liễu, trắng trợn. Chung quy, chủ nghĩa cá nhân có ba biểu hiện chính bao gồm: đòi hưởng thụ, đòi thỏa mãn ham muốn cá nhân; thái độ kiêu ngạo, công thần; hành động tự do, vô tổ chức. Với ba biểu hiện trên, chủ nghĩa cá nhân làm cho “một số cán bộ, đảng viên xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”; làm cho cán bộ, đảng viên thoái hóa, lạc hậu; đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh, vô thực”; bệnh cận thị (tức là chỉ chú ý đến cái nhỏ nhặt, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè kéo cánh.... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Từ góc độ xây dựng Đảng, bệnh chủ nghĩa cá nhân là mẫu số chung khiến nhiều Đảng viên vi phạm pháp luật. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc sâu xa dẫn tới suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên. Nếu không thường xuyên “tự soi, tự sửa”, khiến cho chủ nghĩa cá nhân lộng hành thì sẽ biến người cán bộ, đảng viên từ người đầy tớ, công bộc của Đảng và dân trở thành một kẻ tham lam trục lợi, kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, vô tổ chức, vô kỷ luật dẫn đến việc trở thành “tội đồ” của Đảng, của dân.
“Tự soi, tự sửa” là để bảo vệ “danh dự của bản thân”, bảo toàn “uy tín của tập thể”: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã từng nói đối với cán bộ, đảng viên thì “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Danh dự là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người, không chỉ được xã hội công nhận mà còn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Danh dự không chỉ có vai trò tạo sự tuy tín đối với xã hội mà với bản thân người có danh dự cũng là một phẩm chất quan trọng để khẳng định giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp của chính bản thân mình. Người có danh dự thường sẽ được đánh giá cao bởi người có danh dự là người có phẩm chất đạo đức tốt, nhận thức được những việc làm của mình đâu là việc nên làm và không nên làm. Danh dự, uy tín con người không thể đo đếm hay mua bằng vật chất được, không bỗng dưng hoặc trong một chốc một lát có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện dày công vun đắp mới có, do mỗi con người tự xây đắp nên, không ai có thể làm thay, làm hộ được. Nó được thử thách qua thực tiễn cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Người có danh dự, lòng tự trọng luôn ngay thẳng, cương trực, thấy sai thì đấu tranh, thấy đúng luôn bảo vệ, chứ không phải “ẩn mình” chỉ biết mình; không bao giờ tự kiêu, tự mãn với những gì đã làm được. Chính vì lẽ đó, “tự soi, tự sửa” là việc làm góp phần bảo vệ, duy trì danh dự, uy tín mà mỗi cá nhân, tổ chức đã dày công gây dựng. Người thực hiện tốt “tự soi, tự sửa” sẽ luôn bảo vệ mình tránh khỏi những suy nghĩ, lời nói, hành động làm mất danh dự, uy tín của mình, luôn nhận được sự tin tưởng, coi trọng của người khác. Từ việc danh dự của mỗi cá nhân được bảo vệ thì uy tín của tập thể sẽ được bảo toàn.
Làm gì để “tự soi, tự sửa” có hiệu quả?
Nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, sâu xa của tự soi, tự sửa, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”. Vậy, vì sao cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tu dưỡng, tự điều chỉnh, tu thân, tự vượt lên chính mình? Vì đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh và ngược lại. Do đó, cán bộ, đảng viên phải làm những việc sau:
Một là, phải nhận thức đúng, đủ về tự soi, tự sửa: Mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm rõ, “tự soi, tự sửa” là việc làm cấp thiết trong rèn luyện, công tác, sinh hoạt để hoàn thiện bản thân hơn. Việc tự soi, tự sửa cần thực hiện thường xuyên, công tâm, khách quan. Muốn tự soi, tự sửa có chất lượng thì mỗi người phải có tính tự giác, thật thà, có quyết tâm cao, tinh thần dũng cảm, trung thực. Nếu không quyết tâm vượt qua cái tôi để chấp nhận thiếu sót, khuyết điểm của chính mình thì không bao giờ có thể tiến bộ. Nếu không thẳng thắn, trung thực trong nhận khuyết điểm thì không thể sửa chửa khuyết điểm được. Không vì soi ra khuyết điểm, yếu kém mà dằn vặt bản thân, đắm chìm trong tự trách, trong khuyết điểm mà cần có thái độ cầu thị, quyết tâm sửa chữa. Bởi suy cho cùng, làm người, ai cũng có cái mạnh, cái yếu; làm việc ai cũng có “sở trường, sở đoản”, có hạn chế, khuyết điểm, có cái đúng, cái sai; biết sai để sửa sai là con người tiến bộ, giống như biết bệnh và uống đúng thuốc sẽ được chữa lành. Mỗi đảng viên, cán bộ phải tự giác, thường xuyên, hằng ngày, suốt đời tự soi, tự sửa “như chuyện rửa mặt hằng ngày” để giữ vững đạo đức cách mạng, cao nhất là chí công vô tư. Tự soi, tự sửa là để mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước, cho dân thì quyết không làm. Tự soi tự sửa là để tránh tự kiêu, tự đại, tự mãn; là để luôn luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết, phải học và giúp người tiến bộ; là “chớ nịnh hót người trên, chớ xem thường người dưới”.
Hai là, Phải thật thà, dũng cãm, trung thực trong “tự soi”: Có một số người không cho rằng mình có sai lầm, khuyết điểm nên không tự soi. Tuy nhiên, lãnh tụ Lênin cho rằng, trên đời chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm, sai lầm, đó là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài. Do đó, sự tự biện minh rằng mình không bao giờ có khuyết điểm rõ ràng không phải là thái độ cầu thị, mà không cầu thị thì không thể tiến bộ. Bên cạnh đó, một số người không thật sự trung thực khi nói về các hạn chế, khuyết điểm của mình, hay quanh co khẳng định các sai sót là do “yếu tố khách quan”, do “điều kiện để lại”… chứ ít thừa nhận mình đã sai trái. Thay vì mạnh dạn thừa nhận khuyết điểm để khắc phục, để rút kinh nghiệm, thậm chí đó là cách để được giảm nhẹ hình thức kỷ luật, chế tài thì có không ít cán bộ, đảng viên đổ lỗi cho cấp dưới, viện dẫn quy định của cấp trên, quy hết cho trách nhiệm tập thể, chỉ chịu thừa nhận là “quá tin tưởng”, “thuận theo đa số” hoặc cùng lắm là do “năng lực có hạn”. Sự không thẳng thắn đó có thể làm cho người mắc khuyết điểm tránh hoặc hạn chế được hình thức kỷ luật nhưng khó làm cho họ thực sự tiến bộ.
Ba là, Phải quyết tâm, cầu thị, tự giác trong “tự sửa”: Thấy được hạn chế, khuyết điểm rồi nhưng mà để thành thật sửa chữa và sữa chữa đến cùng cũng là một cuộc đấu tranh không dễ đối với chính mình. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lợi ích của cá nhân thì việc tự sửa cũng đồng nghĩa là tự đánh mất những lợi ích đó, sợ bị thua thiệt. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến uy tín, vị thế của mình thì việc tự sửa cũng như là sẽ giảm đi sự oai phong, bớt đi phần quan trọng. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lập trường, quan điểm, đến việc phân định đúng - sai thì việc tự sửa cảm giác như là mình đuối lý, là vô lý. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến đạo đức, lối sống thì việc tự sửa cảm thấy hổ thẹn, sợ bị chê cười…. Bởi vậy, để dám tự sửa và tự sửa có hiệu quả thì mỗi người cần phải có quyết tâm cao, ý chí lớn và tinh thần cầu thị, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi một phần danh-lợi trước mắt để tiến bộ. Hơn thế, tự sửa đòi hỏi tính tự giác của mỗi cá nhân bởi không tự giác sửa chữa hoặc chỉ sửa chữa theo yêu cầu của tổ chức, của cấp trên mà không chủ động thì kết quả của việc sửa chữa đó có thể không căn cơ và vì thế khuyết điểm, sai lầm vẫn còn đó hoặc chỉ thay đổi hình thức biểu hiện.
Bốn là, “Tự soi, tự sửa” phải được tiến hành một cách chủ động, ngăn chặn từ xa, đẩy lùi từ sớm, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, trong hành động của mình và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên: Như “ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”. Ban đầu, những hạn chế, khuyết điểm, suy nghĩ lệch lạc… có thể chưa đến mức nghiêm trọng, chỉ là những hạn chế, khuyết điểm nhỏ, suy nghĩ thoáng qua, hành động vô tình, song nếu không được nhận diện và có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời thì nó có thể tích tụ dần, từ khuyết điểm nhỏ thành khuyết điểm lớn, từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng và cuối cùng đưa con người ta sa lầy không lối thoát mà một khi đã bị phát hiện thì khó có thể cứu vãn. Làn ranh giữa đúng-sai, tốt-xấu, nên và không nên thật sự rất mong manh, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tỉnh táo, phải có tinh thần cảnh giác cao độ với chính bản thân mình, phải luôn luôn tự kiểm tra, tự giám sát, đối chiếu suy nghĩ, thái độ, hành động, việc làm của bản thân để kịp thời phát hiện, kịp thời sửa chữa từ sớm, từ xa, khi dấu hiệu, biểu hiện moeí mạn nha, còn trong trứng nước.
Năm là, Mỗi cá nhân, mỗi tập thể là tấm gương để tự soi, tự sửa: Việc “tự soi, tự sửa” trọng tâm là mỗi người phải “tự mình”. Nhưng để việc “tự soi, tự sửa” đạt hiệu quả cao hơn, cần có môi trường tốt để cán bộ, đảng viên phát huy tính tự giác của mình, đó là tổ chức đảng mà cụ thể là chi bộ thực sự vững mạnh, đoàn kết. Chi bộ là nơi cán bộ, đảng viên hàng ngày tiếp xúc với nhau, đối diện với nhau; ở đó, cái tốt, cái chưa tốt, cái tích cực, cái tiêu cực... đều được bộc lộ rõ. Nếu trong sinh hoạt chi bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được thực hiện tốt và phát huy cao độ; người đứng đầu cấp ủy thực sự là “thủ lĩnh”, gương mẫu trong mọi việc, nhất là đi đầu trong việc “tự soi, tự sửa”; một tập thể cấp ủy đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động; đội ngũ đảng viên luôn chân thành và cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, quan tâm lẫn nhau trên tinh thần thương yêu đồng chí, thì mọi khuyết điểm, dù nhỏ nhất sẽ được mọi người chia sẻ để cùng nhau sửa chữa, khắc phục. Một môi trường sinh hoạt lành mạnh như thế, đảng viên sẽ không sợ nói ra khuyết điểm của mình, mà mong muốn được mọi người giúp đỡ để bản thân tiến bộ và trưởng thành hơn. Mặt khác, dù cán bộ, đảng viên có tự giác “tự soi, tự sửa”, nhưng do đặc điểm tâm lý của con người thường có sự bảo thủ, chủ quan trong nhận thức, dễ thấy cái sai, khuyết điểm của người khác nhưng lại khó nhận thấy mặt hạn chế, thiếu sót của mình, cho nên, rất cần sự gợi ý, gợi mở của người đứng đầu cấp ủy và những ý kiến đóng góp của tập thể chi bộ.
Việc đóng góp ý kiến nhằm giúp mỗi người “tự soi, tự sửa” cần sự công tâm, khách quan, với mục đích trong sáng, trên tinh thần “thương yêu lẫn nhau”, giúp nhau cùng tiến bộ. Nếu nơi nào có hiện tượng phê bình là trù dập, “đập cho chết” thì rõ ràng không thể khuyến khích người mắc lỗi trung thực thừa nhận, tức không dám “tự soi” và mạnh dạn sửa chữa. Việc tập thể truy tìm khuyết điểm của một cá nhân phải được xem xét ở khía cạnh là không chỉ vì cá nhân đó mà còn vì cảnh báo, nhắc nhở, thậm chí thuyết phục những cá nhân khác. Còn cứ chăm chăm truy tìm để “tận diệt” thì khuyết điểm sẽ không những không hết khuyết điểm mà sẽ còn được che giấu tinh vi hơn. Dĩ nhiên, sự nhìn nhận và khắc phục khuyết điểm còn phụ thuộc vào các quy định của tổ chức cũng như vai trò của người đứng đầu. Tổ chức nào có biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên tốt, có sự kiểm tra, giám sát hữu hiệu thì dẫu có người muốn tránh né khuyết điểm cũng không thể, do đó họ sẽ tự giác thừa nhận. Cấp ủy, người đứng đầu phải luôn làm gương trong việc tự rèn luyện, tu dưỡng, thực sự “tự soi, tự sửa” và luôn biết tạo điều kiện để tập thể do mình quản lý, lãnh đạo luôn tự rèn luyện, tu dưỡng. Tức là, người đứng đầu không tự giác “tự soi” và “tự sửa” thì không thể yêu cầu người khác “tự soi”, “tự sửa”!
Sáu là, Việc “tự soi, tự sửa” phải gắn với kỷ cương, kỷ luật. Mỗi cá nhân phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đầy đủ các quy tắc, điều lệ, các quy định của pháp luật… Việc thực hiện nghiêm kỷ luật sẽ tự bộc lộ ai có khuyết điểm, ai cần phải sửa; còn nếu xuê xoa, thỏa hiệp nhau, kiểu “nhẹ người nhẹ ta” thì sẽ không ai thấy có lỗi để mà sửa chữa. Đồng thời, các hình thức xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, nghiêm minh, tránh “giơ cao đánh khẽ”, “nhẹ trên nặng dưới” hoặc để vụ việc dai dẳng, kéo dài khiến tính giáo dục, thuyết phục, răn đe bị hạn chế. Đồng thời phải có cơ chế đủ mạnh để cán bộ, đảng viên “không thể” phạm khuyết điểm, “không dám” phạm khuyết điểm và “không muốn” phạm khuyết điểm, là thực hiện nghiêm chỉnh phương châm “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đủ sức quản lý chặt chẽ, chế tài xử lý đủ sức răn đe sẽ là điều kiện thuận lợi để việc “tự soi, tự sửa” đi vào chiều sâu, đạt kết quả thật sự.
Toàn Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”, theo tinh thần Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (tháng 10/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). Việc tự sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, tự gột rửa các hạn chế của bản thân không chỉ để tự hoàn thiện mình, tự nâng mình lên mà còn lan tỏa đến những cá nhân khác và giúp cho tổ chức mà mình là thành viên trở nên trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn…