Sự bùng nổ của công cuộc chuyển đổi số mang lại cơ hội tiếp cận thông tin tri thức một cách dễ dàng, đồng thời mạng xã hội cũng tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của chúng ta đặc biệt là giới trẻ nói chung và học sinh Tiểu học - Trung học cơ sở nói riêng. Tiếp cận công nghệ thông tin đã thay đổi cách sống của các em như tương tác học tập và giải trí, các em có thể truy cập thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng từ bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào nhằm phục vụ cho việc học đồng thời mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Mạng xã hội là một phần quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt, nó đã tạo ra một sân chơi trực tuyến để các em thể hiện bản thân, tìm kiếm sự công nhận và thiết lập mối quan hệ. Tham gia vào mạng xã hội, chúng ta nắm bắt được nhiều thông tin hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các em đã ý thức hết vai trò trách nhiệm của mình khi thiết lập sử dụng tài khoản cá nhân của mình một cách hiệu quả trên các nền tảng chưa, được mấy ai đã tìm hiểu kỹ càng trước khi sử dụng các nền tảng không gian mạng để tránh những rủi ro như nạn tương tác xã hội không lành mạnh, mất quyền riêng tư và lạm dụng thông tin cá nhân...
Bạo lực học đường trực tuyến là một dạng bạo lực xảy ra thông qua sử dụng các công nghệ trực tuyến và mạng internet trong môi trường học đường, nó bao gồm việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như tin nhắn, email, diễn đàn trực tuyến và các nền tảng khác như facebook, instagram, zalo, … để gây hại, xúc phạm hoặc đe dọa người khác trong cộng đồng học đường, là một vấn đề nghiêm trọng và đang ngày càng phổ biến. Bạo lực học đường trực tuyến có thể xảy ra thông qua nhiều hình thức như: xúc phạm trực tuyến, lăng mạ trực tuyến, quấy rối trực tuyến…
Tình trạng bạo lực học đường trực tuyến gia tăng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội, bạo lực học đường trực tuyến đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Chúng ta đã nói quá nhiều với bạo lực học đường, nhưng thực tế là nó vẫn diễn ra và chắc chắn là nhiều hơn con số 5 vụ học sinh/1 ngày/ cả nước mà ngành giáo dục đã ghi nhận theo số liệu thống kê mới nhất. Nếu tra cứu với từ khóa “Bạo lực học đường trực tuyến” trên Google với tốc độ 0.24 giây sẽ cho chúng ta 11.900.000 kết quả, các trang tin tức với tốc độ 0.27 giây sẽ cho ra 9.210 kết quả tìm kiếm, các video được 325.000 kết quả với tốc độ 0.29 giây.
Các hành vi như xâm phạm quyền riêng tư đe dọa lăng mạ xúc phạm hay chia sẻ thông tin xấu về người khác trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đã trở thành những hình thức phổ biến của bạo lực học đường trực tuyến. Chẳng hạn: Một thông tin gần đây nhất vào ngày 29/5/2024 mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh hai học sinh nữ lao vào đánh nhau trên đường làng khiến dư luận phẫn nộ. Trong đoạn clip kéo dài gần 2 phút, giữa một học sinh nữ lớp 8 và một học sinh nữ lớp 6 (trường THCS Nghi Kiều) huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Hai học sinh nữ liên tục xông vào túm tóc, dùng tay, chân đánh nhau. Khi một bạn nữ bị thất thế ngã xuống đường, nữ sinh còn lại không chịu dừng mà tiếp tục xông đến kéo tóc, dùng chân đạp mạnh vào người đối phương
Nguyên nhân ban đầu được cho là trước đó hai nữ sinh này thỏa thuận cá cược nhau một trận đá bóng. Tuy nhiên, cả hai sau đó xảy ra mâu thuẫn xích mích. Ngày 29/5, sau khi trường đã tổng kết nghỉ hè, hai học sinh này đã tìm đến nhau rồi xông vào đánh nhau trên đường. Sự việc này diễn ra chỉ là hành động bạo lực học đường ngoài nhà trường. Điều đáng nói, xung quanh có rất nhiều học sinh nhưng không có ai vào can ngăn. Một số bạn còn dùng điện thoại quay video lại rồi đăng tải lên mạng xã hội. Từ việc đăng tải lên mạng xã hội những đoạn clip đã làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Một khi thông tin bạo lực đã được chia sẻ trên mạng nó có thể lan rộng nhanh chóng và trở thành một phần không thể xóa được. Thông tin bạo lực có thể được lưu trữ và truy cập dễ dàng trong thời gian dài, gây hại lớn đến cuộc sống và tương lai của nạn nhân.
“Gia đình” - nơi có bố mẹ, anh chị em, ông bà chúng ta - nơi để gửi gắm, để trò chuyện những câu chuyện hàng ngày trong các bữa cơm gia đình, trong những buổi tối cùng nhau sinh hoạt. Thế nhưng, thực tế không vậy, với thời đại 4.0 như hiện nay, những bữa cơm gia đình không còn nữa, chỉ là việc ăn vội cho qua bữa của từng người, tối đến mọi người cùng nhau sinh hoạt ở phòng khách nhưng không giành cho nhau những tiếng cười mà thay vào đó hình ảnh mỗi người một cái điện thoại, hình ảnh này dường như nhà nhà đều có. Phải chăng, đây là một trong những thủ phạm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của chúng ta.
Để đứa trẻ có thể mở lòng mình ngoài việc người nghe phải thật lòng muốn nghe thì cũng cần có một môi trường đủ an toàn để các em, đặc biệt là những nạn nhân của bạo lực học đường trực tuyến dám lên tiếng, để rồi bạo lực học đường trực tuyến đã xảy ra rồi bản thân chúng ta lại có suy nghĩ “giá như” mình biết và hiểu rõ nội tình câu chuyện sớm hơn chắc chắn mình sẽ có cách để tác động để hoàn cảnh tối tăm ấy không thể diễn ra, thế nhưng những đứa trẻ có thế giới riêng của chúng. Chúng ta cũng phải thừa nhận sự khó khăn trong việc nắm bắt suy nghĩ của trẻ, nội tình phía sau như thế nào thì các bạn học sinh có các nhóm chat riêng với nhau trong từng nhóm mà mình không ở trong hoàn cảnh của các em. Thật tiếc khi mà môi trường an toàn đó lại không phải là lớp học hoặc thậm chí là chính gia đình các em, sự an toàn này lại được nhiều em học sinh tìm thấy trong những hội nhóm trực tuyến như: Hội những người bị bạo lực học đường, cô lập “Body Shaming” với hơn 9.000 thành viên. Hơn thế, trong môi trường nào học tập hay vui chơi đều có những hội nhóm, page, wesite vvv. Một ví dụ cụ thể: Ngay tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Du - Thành phố Phan Thiết, có “page Nguyễn Du Phan Thiết confession”, là nơi để giao lưu, trò chuyện của học sinh trường THCS Nguyễn Du, admin là người ẩn danh, nhưng admin rất nhanh, nhạy cập nhật những hoạt động của trường với luồng tư tưởng tích cực, luôn động viên, chia sẻ với nhau qua những confession, story. Bản thân các em rất thích trang này. Admin hiểu được tâm lý của các bạn, đó là: thích thể hiện ý kiến cá nhân, thể hiện cái tôi của mình về một vấn đề, đồng thời cũng tạo điều kiện để các bạn nói lên suy nghĩ của mình. Bên cạnh mặt tích cực từ những bài viết trên “page Nguyễn Du Phan Thiết confession” cũng không tránh khỏi những “confession” tiêu cực bởi sự bất đồng trong học tập, sinh hoạt hàng ngày ở trường hay việc tham gia các phong trào hoạt động do trường tổ chức, lợi dụng sự ẩn danh để gửi confession một cách tiêu cực nhằm nói xấu nhau, xúc phạm và đe dọa với những câu từ khiêu khích, tự tạo mâu thuẫn và mọi người xem như đó là một “drama”.
Hình ảnh page những hội nhóm trực tuyến
Đánh vào tâm lý bồng bột, nông nổi của học sinh, nếu admin không quản lý tốt trang này thì vô tình những đối tượng xấu, lợi dụng tâm lý bất ổn của học sinh sẽ kích động, khiêu khích, tạo mâu thuẫn để từ đó có những cuộc hẹn trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn, đến đây thì hậu quả chúng ta cũng biết sẽ như thế nào. Những điểm chung được lặp lại nhiều lần trong những bài viết, những dòng tâm sự của các em là đã từng trao đổi về sự việc xảy ra trên không gian mạng nhưng đa số nhận được sự phớt lờ từ người lớn. Chắc chắn rằng, điều khó khăn nhất với những nạn nhân bị bạo lực học đường trực tuyến chính là cảm giác cô đơn giữa những người thân thuộc trong gia đình.
Nói về những đứa trẻ của chúng ta, có vẻ như là các bậc phụ huynh chúng ta đều lo lắng là con mình sẽ là nạn nhân của bạo lực học đường trực tuyến thế nhưng hãy thử nghĩ ngược lại mà xem. Bạo lực học đường trực tuyến đang âm thầm len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, không chỉ là những đối tượng học sinh cá biệt mà đáng buồn hơn là sự bức xúc của cá nhân khi không nhận được điều mà cá nhân muốn, sự kỳ vọng từ cha mẹ nhưng không đạt được, sự ganh ghét đố kị về những điều mà người khác có được: như lời khen, con điểm hay thành tích. Nhắc đến đây chúng ta đã xác định được đối tượng ghen tị, chính là những bạn có thành tích học tập tốt. Với tính ghen tị, không muốn người khác hơn mình, nhưng không thể nói cho bạn bè mình biết, áp lực từ bố mẹ nhưng lại không tâm sự cùng bố mẹ, một mình chịu đựng, để rồi lại làm bạn với chiếc điện thoại, đăng những dòng status để tự an ủi mình. Thực tế, khi các bạn trải lòng mình bằng dòng status đã không nhận được sự đồng cảm mà thay vào đó là sự chế giễu, đùa cợt hay mang tính cà khịa. Từ đó, làm cho tâm lý chúng ta càng thêm hoang mang, với cái tôi quá lớn áp lực từ thành tích đã khiến các bạn rơi vào trạng thái hoảng loạn, lại phải căng thẳng vào việc học, việc ghen ghét ngày một nhiều hơn, thật sự nó đã trở thành cơn ác mộng của tuổi học trò.
Hình ảnh Bảng điểm phụ huynh đăng lên mạng xã hội
Điển hình thường là thời gian cuối năm học, khi phụ huynh đưa kết quả học tập của con em mình lên mạng xã hội, đây là hành động cá nhân của phụ huynh nhưng đã vô tình gây ra tình huống so sánh, ganh đua giữa phụ huynh với phụ huynh và người chịu áp lực nhiều nhất chính là các em, có em được phụ huynh tự hào, và ngược lại có em lại chịu áp lực hơn. Chỉ một việc vô tư của phụ huynh nhưng đã đưa con em chúng ta vô trạng trái bất an, từ đó ảnh hưởng mạnh đến tâm lí. Dù ở mức độ nào, tốt hay xấu con em chúng ta vẫn cảm nhận được sử ảnh hưởng của mạng xã hội. Phóng sự “Cuồng khoe giấy khen: Đừng vì vài lượt like mà con phải chịu búa rìu dư luận”, ngay từ tiêu đề đã thể hiện rõ nội dung. Ở góc độ là một phụ huynh bản thân chúng ta nhận thấy môi trường chúng ta tạo ra trong gia đình thì nó rất quan trọng đến việc hình thành tính cách của trẻ, đặc biệt là dù con có trưởng thành là một người đi bắt nạt hay không, nhiều khi thì phụ huynh chúng ta cần xem xét lại chính mình, xem rằng ở trong gia đình thì chúng ta có đang sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề hay không, nếu như các con thường xuyên phải chứng kiến các việc đã xảy ra trên mạng hay chính chúng ta những người lớn sử dụng ngôn từ khiêu khích, cà khịa, chửi bới, nói xéo nói xỏ hay phán xét hay là miệt thị người khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến con và có thể con sẽ gây ra bạo lực tinh thần trên không gian mạng, mặc dù đó không phải tất cả những nguyên nhân dẫn đến việc con trở thành một người đi bắt nạt nhưng cái môi trường mà chúng ta tạo ra trong gia đình là vô cùng quan trọng và chúng ta cần phải biết cái môi trường đó ảnh hưởng đến con như thế nào.
Bạo lực học đường trực tuyến có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong cộng đồng học đường, bao gồm: học sinh, giáo viên và nhân viên trường học. Điều này tạo ra một môi trường không an toàn và ảnh hưởng đến quyền học tập và phát triển của cá nhân. Một số trường hợp bạo lực học đường trực tuyến đã trở thành hiện tượng “viral”, gây ra sự quan tâm và tranh luận rộng rãi trong cộng đồng mạng.
Chính từ thực trạng trên, trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ giáo dục cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các trường học lồng ghép những kiến thức pháp luật, kỹ năng sống thông qua các cuộc thi tuyên truyền, hoạt động trải nghiệm, các môn học theo đúng chương trình giáo dục Phổ thông 2018, tăng cường mối liên hệ, quan hệ giữa nhà trường và gia đình, có các thông tin hai chiều.
Để giảm thiểu hậu quả của bạo lực học đường trực tuyến, cần thiết phải tăng cường nhận thức, xây dựng môi trường học tập an toàn và khuyến khích sự tôn trọng và đồng thuận trong cộng đồng học đường. Để khắc phục bạo lực học đường trực tuyến, cần có một sự kết hợp giữa các biện pháp phòng ngừa, giáo dục và quản lý, trong đó tập trung thực hiện một tốt số giải pháp như sau:
Tăng cường giáo dục và nhận thức: Cần đẩy mạnh giáo dục về tác động của bạo lực học đường trực tuyến lên tất cả các bên liên quan, bao gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên và cộng đồng. Cung cấp thông tin về hậu quả của hành vi bạo lực, khuyến khích sự tôn trọng và đồng thuận, và trang bị cho mọi người các kỹ năng xử lý xung đột và tạo môi trường học tập an toàn.
Xây dựng môi trường học tập an toàn: Trường học cần thiết lập một môi trường học tập an toàn, nơi mọi người được tôn trọng và không chịu bất kỳ hình thức bạo lực hay kỳ thị nào. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng chính sách và quy định rõ ràng về hành vi bạo lực học đường trực tuyến, đảm bảo sự can thiệp và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, tạo ra các chương trình giáo dục về lòng tự trọng và tôn trọng lẫn nhau.
Đẩy mạnh vai trò của giáo viên và nhân viên trường: Giáo viên và nhân viên trường học có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và đối phó với bạo lực học đường trực tuyến. Cần đào tạo và nâng cao khả năng nhận biết, phản ứng và hỗ trợ cho học sinh bị bạo lực. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường mở, nơi học sinh có thể tự tin báo cáo về các trường hợp bạo lực mà họ chứng kiến hoặc trải qua.
Sử dụng công nghệ để giám sát và bảo vệ: Công nghệ có thể được sử dụng để giám sát và bảo vệ học sinh khỏi bạo lực học đường trực tuyến. Các công cụ kiểm soát và lọc nội dung có thể được triển khai để ngăn chặn các hành vi bạo lực và xúc phạm trực tuyến. Đồng thời, cần xây dựng các chương trình giáo dục để hướng dẫn học sinh về việc sử dụng an toàn và có trách nhiệm các công nghệ trực tuyến.
Hợp tác giữa gia đình, trường học và cộng đồng: Sự hợp tác giữa gia đình, trường học và cộng đồng rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường trực tuyến. Cần thiết lập các kênh liên lạc mở rộng và tạo cơ hội cho phụ huynh và cộng đồng tham gia vào quá trình giáo dục và giải quyết xung đột.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Cần thiết lập quy trình xử lý nhanh chóng và công bằng cho các trường hợp vi phạm bạo lực học đường trực tuyến. Hành vi vi phạm nên được xem là một vi phạm nghiêm trọng và phải có hậu quả phù hợp, bao gồm cả giáo dục, can thiệp và khi cần, hình phạt pháp luật.
Chúng ta có bao giờ tự hỏi, tại sao thói quen như là đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay không uống rượu bia khi lái xe …, những thói quen đó dần đang trở thành những thói quen tốt trong cuộc sống của chúng ta, bởi đó là kết quả của việc phối hợp quyết liệt giữa tuyên truyền và các mức xử phạt đủ sức răng đe đến từ nhiều những bên liên quan. Thiết nghĩ: Đã đến lúc chúng ta hành động quyết liệt hơn, tính răng đe hiệu quả hơn. Việc ngăn chặn, khắc phục bạo lực học đường trực tuyến yêu cầu sự hợp tác và cùng nhau phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.