Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được xác định là một trong những Bộ Luật có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân với nhiều hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo; thông qua trang thông tin điện tử… Nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và 10 vấn đề trọng tâm được xác định theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào nội dung của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đặc biệt là các vấn đề trọng tâm xoay quanh các nội dung như: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân, quyền sở hữu, bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, về thời hiệu…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Bộ luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005. Sau hơn 9 năm thi hành, Bộ luật Dân sự có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần đẩy mạnh sự hình thành, phát triển các giao dịch dân sự, thương mại và thiết lập các quan hệ thị trường. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, đặc biệt là yêu cầu về công nhận tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân,… Bộ luật Dân sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả của Bộ luật Dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung. Do đó, việc xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là yêu cầu cần thiết hiện nay. Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong quý I/2015. Các cơ quan, địa phương, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai việc lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tại địa bàn, cơ quan, đơn vị.