Khi đề tài dự án được phê duyệt, vào tháng 7 năm 2014 phòng Kinh tế thành phố đã trực tiếp mời hộ bà Nguyễn Thị Thu Sương tham gia thực hiện đề tài. Vì đây là mô hình mới nên theo yêu cầu và quy trình của mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi cá trê này, người thực hiện dự án (hay còn gọi là đề tài mô hình) phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật từ khâu chọn vị trí đất, xây dựng chuồng trại, thiết kế bể nuôi, hệ thống thoát nước, chọn con giống, chăm sóc - cho lươn ăn cho đến khâu phòng - trị bệnh và thu hoạch. Tổng kinh phí thực hiện dự án đề tài mô hình này là trên 114 triệu động, nhưng đối với hộ nông dân trực tiếp tham gia thực hiện dự án sẽ được hỗ trợ trên 89 triệu đồng từ kinh phí ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ; trong đó, hộ bà Sương (hộ nông dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình thí điểm) được hỗ trợ 100% con giống, 30% nguyên vật liệu, còn lại chi phí quản lý dự án mô hình; như vậy hộ bà Sương chỉ bỏ ra khoảng trên 25 triệu đồng để thực hiện dự án này.
Qua trao đổi với ông Lê Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết, Chủ nhiệm đề tài của mô hình về quy trình được biết: Đối với việc thiết kế bể nuôi, bể được xây dựng theo hình chữ nhật có diện tích 6m2 (có thể lớn hơn tuỳ theo quy mô đầu tư của chủ hộ), đáy bể được lót bằng gạch bát tràng để tránh làm xây xát lươn, đáy bể có độ dốc từ 5 - 10% nghiên về phía cống thoát nước để thuận tiện cho việc vệ sinh bể nuôi hàng ngày. Cống thoát nước được thiết kế bằng ống nhựa PVC&90, được khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước; hệ thống cấp thoát nước được đặt đối diện cống thoát để có thể tận dụng sức nước tống cặn bã về phía cống thoát mỗi khi vệ sinh bể nuôi. Thành bể nuôi được xây dựng cao khoảng 80cm và được lót gạch men xung quanh với chiều cao khoảng 50cm tính từ đáy, trên thành bao mỗi bể thiết kế cống chống tràn cách dáy bể khoảng 50cm. Giá thể (nơi lưu trú của lươn) sử dụng khoảng 3 khung tre chiếm 1/3 diện tích bể đặt chồng lên nhau, cách nhau 10cm, mỗi khung bao gồm các thanh tre được đóng song song và cách nhau 3cm; đây vừa là giá thể để lươn trú ẩn và cũng là sàn ăn cho lươn ăn hàng ngày; sàn tre được đặt ngang với mặt nước để lươn phát triển tốt hơn.
Vì thịt lươn là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và giá thành cao, do vậy vấn đề chọn con giống và chăm sóc, cho ăn cũng cần thực hiện đúng cách. Giống lươn được chọn mua tại những cơ sở uy tín như trại giống ở thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh... nên tránh mua lươn không rõ nguồn gốc do bị chích điện hay nhữ mồi thuốc, tỉ lệ sống thấp, chậm lớn. Chọn con giống kích cỡ từ 20-30 con/kg, sức khoẻ tốt, không bị trầy xước. Mật độ thả lươn thích hợp từ 200-250 con/m2 (trong khi nuôi lươn có bùn chỉ từ 60-90 con/m2). Trước khi thả lươn vào bể phải được sát trùng bằng cách tắm với nước muối loãng trong 15 phút; giai đoạn mới thả giống, lươn bị sốc và bỏ ăn do thay đổi môi trường đột ngột, vì vậy không cần phải cho ăn trong 3-4 ngày, đồng thời dùng Viatmin C pha loãng tạt vào bể lươn. Lươn là loài ăn tạp, do đó thức ăn của lươn khá phong phú bao gồm cua, cá tạp, ốc, giun, phụ phế phẩm gia cầm, gia súc, cám, bắp, khoai... Tuy nhiên, để giúp lươn tăng trưởng tốt và kiểm soát lượng thức ăn sử dụng, nên cho lươn ăn vào thời gian nhất định nhằm tăng hiệu quả nuôi. Cho lươn ăn 1 lần 1 ngày với tỉ lệ thức ăn khoảng 5-7% trọng lượng thân, thức ăn được chia thành từng phần và rải lên giá thể cho lươn ăn.
Việc thay nước cho bể nuôi lươn cũng hết sức quan trọng, do lươn có tập tính ăn đêm nên bắt mồi mạnh vào lúc chiều tối, nên cho lươn ăn vào lúc 5giờ chiều hàng ngày và 7 giờ tối tiến hành thay toàn bộ nước trong bể, kết hợp vệ sinh bể nuôi. Qua quan sát thực tế mô hình nuôi lươn không bùn tại hộ bà Sương, nước thải sau khi vệ sinh bể lươn được cho vào ao nuôi cá trê vàng phía sau các bể nuôi lươn, đây là cách tính tiện lợi (áp dụng cho mô hình khép kín phía trước bể nuôi lươn phía sau ao nuôi cá trê) tận dụng thức ăn còn dư thừa trong quá trình nuôi lươn cho cá trê ăn, vì cá trê là loài ăn tạp, ăn được cả thức ăn có nguồn gốc từ động vật và thực vật.
Ở hộ bà Nguyễn Thị Thu Sương ở thôn Tiến Hoà, xã Tiến Thành, hộ thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn, thời gian chính thức thả lươn nuôi vào giữa tháng 9, nếu theo quy trình này thì vào khoảng tháng 12/2014 hộ bà Sương sẽ xuất lứa lươn đầu tiên, bởi vì theo quy trình thả giống lươn lớn, sau 4-5 tháng nuôi có thể tỉa bớt lươn lớn để bán, lươn đạt kích cỡ 3-4 con/kg, sau đó sẽ tiếp tục nuôi và tiến hành thu hoạch lươn toàn bộ.
Theo lời ông Lê Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế thành phố, để nâng cao hiệu quả tài chính bà con nên tính toán thời vụ nuôi thích hợp sao cho lúc thu hoạch rơi vào thời điểm gần đến Tết Nguyên đán sẽ bán được giá cao. Hy vọng với mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi cá trê vàng ở thôn Tiến Hoà, xã Tiến Thành sẽ mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế hộ gia đình cho bà con nông dân.