Quán triệt đúng tinh thần đó và căn cứ vào thực tiễn công tác, đồng thời để góp phần đổi mới công tác Tuyên giáo của thành phố, tập thể cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Thiết đã thống nhất xây dựng Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Thành uỷ với 05 chuẩn mực cụ thể sau:
1. Bản lĩnh chính trị vững vàng;
2. Nói đúng, nói trúng và thuyết phục; viết thạo, viết tốt và sắc sảo;
3. Phong cách công tác dân chủ, khoa học và sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm;
4. Chủ động tham mưu đúng, kịp thời và dự báo tốt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của địa phương;
5. Nhân cách trong sáng, tận tâm yêu nghề.
Nội hàm của 05 chuẩn mực là:
Thứ nhất, Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành uỷ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) đã khẳng định: “Công tác tư tưởng là công tác đối với con người, phải kết hợp yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí với tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa xây và chống, lấy xây làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên của người cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị. Đó là kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã lựa chọn; Đây là chuẩn mực mang tính nguyên tắc xuyên suốt. Muốn có bản lĩnh chính trị vững vàng, cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải thường xuyên học tập, với nền kiến thức cơ bản và phải được cập nhật liên tục...
Thứ hai, Cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải nói đúng, nói trúng và thuyết phục; viết thạo, viết tốt và sắc sảo. Theo đó, nói và viết là hai kỹ năng đặc thù của cán bộ làm công tác Tuyên giáo, là thước đo chất lượng chuyên môn tốt hay kém, là tiêu chí đánh giá mức độ tinh thông nghề nghiệp. Trong mọi thời điểm, nói trước hết phải đúng, nói trúng. Đó là đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đúng với thực tiễn. Nói phải hay: dễ nghe, lưu loát và truyền cảm. Nói phải thuyết phục: gây được ảnh hưởng tích cực tới người nghe và thu hút sự hợp tác của họ để góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành vi, thúc đẩy hành động vì mục tiêu. Người cán bộ Tuyên giáo phải viết thạo, đó là viết luôn chính xác, đúng và thành thục. Viết tốt và sắc sảo là viết có chất lượng, sâu sắc, có tính chiến đấu và hiệu quả cao.
Thứ ba, Cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải có phong cách công tác dân chủ, khoa học và sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Trong đó, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là nội dung quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách công tác.
Phong cách khoa học còn gọi là cách làm việc khoa học. Phong cách này đòi hỏi người cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác Tuyên giáo nói riêng, trước khi làm việc gì cũng phải có kế hoạch và có mục đích rõ ràng.
Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm: Là cán bộ dứt khoát phải có trình độ lý luận, nhất là cán bộ làm công tác Tuyên giáo.
Sức thuyết phục, sự lôi cuốn của cán bộ Tuyên giáo với cấp dưới và với đảng viên, nhân dân còn ở phong cách “lời nói đi đôi với việc làm”, “nói là phải làm”. Nói đi đôi với làm, không chỉ là một chuẩn mực hành vi đạo đức truyền thống của dân tộc ta mà còn là một nguyên tắc thực hành đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên theo nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ tư, Cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải chủ động tham mưu đúng, kịp thời và dự báo tốt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của địa phương. Cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải chủ động tham mưu đề xuất cho đúng, cho trúng, kịp thời và không thụ động ngồi chờ chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, muốn dự báo tốt cần phải nắm được dư luận xã hội, nắm được xu hướng diễn biến tư tưởng của các đối tượng để có thể tham mưu xử lý, tác chiến đúng hướng và hiệu quả.
Thứ năm, Cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải có nhân cách trong sáng, tận tâm yêu nghề. Nhân cách của người làm công tác Tuyên giáo liên quan tới sự tin cậy của công chúng và sức thuyết phục của lý lẽ, nên đó là yêu cầu cần và đủ. Còn tận tâm yêu nghề là hết lòng hết sức với trách nhiệm nghề nghiệp, không ngại khó, ngại khổ, gắn bó và tâm huyết với ngành Tuyên giáo.
Năm tiêu chí trên có mối quan hệ biện chứng với nhau, “kết tinh”, tạo nên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác Tuyên giáo.
Kết quả thực hiện các chuẩn mực đạo đức như trên, được thể hiện trong các công việc cụ thể hàng ngày, thường xuyên, liên tục và sự kiên trì phấn đấu trong suốt cuộc đời của cán bộ, nhân viên làm công tác Tuyên giáo Thành uỷ sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên và cơ quan trong mỗi dịp sơ kết, tổng kết. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát các cán bộ làm công tác Tuyên giáo của thành phố trong thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mình .