Từ nông dân sản xuất giỏi.....
Sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Phú Quý, do cuộc sống mưu sinh ông cùng với gia đình vào đất liền và chọn thôn Tiến Phú - xã Tiến Thành làm quê hương thứ hai của mình. Với truyền thống của gia đình là làm biển; với nghề câu cá mập nhưng nghề này thì ngày càng khó khăn, trong lộng thì nguồn cá cạn kiết, đi ra khơi xa thì bị xâm phạm hải phận của quốc gia khác; lại phải bị phạt thiệt hại lớn cho kinh tế gia đình. Với bản chất là người lao động, không chịu khuất phục trước bất cứ khó khăn nào, ông cùng gia đình bàn bạc, trăn trở nhiều tháng liền và quyết định chuyển đổi nghề. Thời gian đầu, khoảng năm 2001, 2002 được Uỷ ban nhân xã quan tâm, vận động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, gia đình ông Tăng đầu tư vào việc làm rẫy nhưng thật sự thì rất bấp bênh, trồng trọt, sản xuất thì năm được, năm mất, sản xuất không bền vững, có năm thua lỗ không đủ trả nợ vay ngân hàng. Không chịu cảnh khó khăn này dày vò tâm can của mình, một lần nữa ông Tăng quyết định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bao nhiêu tháng liền, ông lặng lội đi tìm hiểu, khảo sát thị trường, hỏi thăm qua bạn bè và cả các “chuyên gia” ngành nông nghiệp. Khi đã cơ bản đầy đủ thông tin, đầu năm 2006 ông đã mạnh dạn quyết định đầu tư thành lập trang trại nuôi bò và trồng thanh long trên cát. Do đầu tư đúng hướng và phát triển tốt cây thanh long trên vùng đất khô hạn này, gần 30 hộ cũng đã kéo về đây đầu tư và học tập mô hình này từ ông Tăng.
Vùng đất cát khô cằn Tiến Thành này, đâu phải đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp là thành công ngay, thời gian chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông Nguyễn Ngọc Tăng cũng đi đến khó khăn này đến khó khăn khác. Khó khăn nhất là nguồn nước và điện để sản xuất cây thanh long. Để có nguồn nước để tưới cho cây thanh long, ông đã cho đóng 04 giếng khoan với độ sâu mỗi ống từ 65 mét đến 70 mét, sau đó ông cho dự trữ vào 02 hồ xây cỡ lớn, vừa dùng để có nước sinh hoạt vừa dùng để tải tưới thanh long. Còn nguồn điện, thời gian đầu ông phải bỏ ra nguồn kinh phí khá lớn để tải điện sử dụng, về sau ông đã vận động các hộ xung quanh góp tiền để đầu tư đường điện; mặc dù kinh phí rất cao, nhưng buộc phải chấp nhận tốn một lần để ổn định sản xuất. Sau khi được 30 hộ trong khu vực này đồng tình hưởng ưng, ủng hộ; vào đầu năm 2013 ông Tăng đã đứng tên hồ sơ để thực hiện kéo đường điện chiều dài hơn 4km, với kinh phí đầu tư trên 2,2 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, khi trang trại thanh long phát triển tốt, thương lái đã chấp nhận thu mua thanh long của ông, với sự tính toán trong kinh doanh ông Tăng đã mạnh dạn đầu tư con đường nhánh giao thông làm bằng sỏi đi vào khu sản xuất thanh long; vừa sử dụng cho trang trại của mình vừa phục vụ cho bà con trong thôn Tiến Phú với kinh phí đầu tư trên 500 triệu đồng.
Vườn thanh long mới trồng
|
Gặp ông Nguyễn Ngọc Tăng ngay tại trang trại thanh long, ông bộc bạch “bản thân tôi luôn tạo mọi tình đoàn kết với xóm giềng, với những gì mình làm được mà mình có điều kiện là phải quan tâm tới bà con xung quanh, từ mô hình của tôi hiện nay đã có trên 50 hộ theo tôi thành lập trang trại kinh tế vườn và vươn lên khá giàu trên vùng đất cát ít mưa nhiều nắng này...”.
Sau bao nhiêu năm đầu tư, đến nay trang trại của ông Nguyễn Ngọc Tăng đã có trên 50 con bò, 2 héc ta thanh long; bình quân hàng năm trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập trên 504 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 10 lao động.
...... đến vai trò Chi hội trưởng năng nổ.
Với bề bộn công việc cho sản xuất, nhưng khi được Hội Nông dân xã vận động mời ông tham gia làm Chi hội trưởng thôn Tiến Phú, không do dự ông đồng ý ngay. Từ khi có thêm vai trò Chi hội trường ông Tăng lại càng hứng thú trong việc sản xuất, chăn nuôi của mình, tham gia tổ chức các hoạt động với hội viên hưởng ứng cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thường xuyên vận động hội viên nông dân tích cực tham gia sản xuất, gắn với phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Anh Nguyễn Văn Tám - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Thành nói về ông Tăng như sau: “...với trách nhiệm là chi hội trưởng, anh Tăng luôn nêu cao tính chủ động và ý thức trách nhiệm của mình, anh luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, bản thân anh cũng gương mẫu vận động hội viên nông dân chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và luôn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của Hội giao”.
Hồ chứa nước phục vụ tưới thanh long
|
Để đạt được những kết quả trong sản xuất, chăn nuôi và thành tích trong phong trào thi đua Hội nông dân của địa phương, trước hết có thể khẳng định là nhờ có sự phấn đấu vươn lên từ bản thân, biết chịu khó tìm tòi, là sự phối hợp tốt của các tổ hội viên trong thôn Tiến Phú, sự đoàn kết nhất trí cao để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, tạo việc làm cho xã hội. Bản thân ông Nguyễn Ngọc Tăng đã 02 lần được đi dự và báo cáo điển hình tại hội nghị biểu dương phong trào Sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và thành phố; được Tỉnh công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2010 - 2012 và đề nghị công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2012 - 2014 sắp đến.