Để chuẩn bị cho chính vụ cá Nam của nghề vây rút chì trong tháng 6 Âm lịch này, ngư dân Trần Văn Lưu – Chủ thuyền BTh 99297 đang cần nguồn vốn để nâng cấp công suất máy tàu từ 370cv lên 450cv. Tuy nhiên, do không đủ sẵn vốn nên ông Lưu đã cầm giấy tờ nhà đất và chứng nhận bảo hiểm thân tàu, với tổng trị giá tài sản thế chấp xấp xỉ 4 tỉ đồng để vay vốn ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Thuận. Thế nhưng sau nhiều lần giao dịch, thành viên của nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 này chỉ được nhân viên ngân hàng thông báo là chỉ được vay 100 triệu đồng. Trong khi số vốn ông cần để tu sửa, nâng cấp con tàu là 500 triệu đồng. Thất vọng với mức cho vay quá thấp so với giá trị tài sản, nên ông Lưu đã quyết định đi vay mượn bên ngoài.
Trường hợp của ông Trần Văn Lưu cũng chính là khó khăn chung của nhiều ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng sửa tàu thuyền hiện nay tại thành phố Phan Thiết. Tiếp xúc với một số ngư dân khác cũng tại phường Bình Hưng thì bà con cho hay, trước giờ nhiều người vẫn mong muốn được vay tín chấp tại ngân hàng để trả lãi suất thấp, qua đó hỗ trợ khai thác bám biển. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp ngư dân đã cầm giấy tờ nhà, tài sản thuế chấp nhưng chỉ được thông báo hạn mức cho vay quá thấp, không đủ để tu sửa, nâng cấp tàu xa bờ. Để có kinh phí, nhiều ngư dân đã chấp nhận giao dịch tín dụng đen với lãi suất cao.
Được biết từ trước giờ, việc vay vốn đóng sửa tàu thuyền của bà con ngư dân đều là giao dịch trực tiếp giữa người vay với tổ chức tín dụng, ngân hàng. Vì vậy mà có lúc, có nơi, quyền lợi của bà con ngư dân chưa được đảm bảo. Hiện nay, các hiệp hội nghề cá, tổ chức nông ngư dân vẫn chưa can thiệp được vào quy trình vay vốn này. Đơn cử như tại Hội nông dân Phan Thiết, trong tổng số 66,5 tỉ đồng dư nợ vốn vay sản xuất kinh doanh tính đến tháng 5/2014, thì hầu hết đều là số vốn dùng để đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt. Tỷ lệ vốn vay liên tịch ở các cấp hội nông dân dành cho ngư nghiệp rất ít. Trong khi đó, hiện nay hầu hết ngư dân đều chưa tranh thủ được sự hỗ trợ từ phía tổ chức hội nông dân đối với hội viên trong việc giải quyết nguồn vốn vay.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước và xã hội hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, quyền được khai thác hải sản trên ngư trường truyền thống của bà con ngư dân. Hy vọng trong thời gian tới, hành trình bám biển của bà con ngư dân sẽ được tiếp sức nhiều hơn nữa. Trước mắt là các cấp, ngành cần tạo mọi điều kiện để người ngư dân tiếp cận được với gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng mà Quốc Hội vừa thông qua, từ đó giúp cho thành phố Phan Thiết – Bình Thuận sẽ có nhiều con tàu lớn, vươn khơi làm giàu ở vùng biển quê hương.