Thượng tá Đặng Quốc Phát – Phó Trưởng công an TP Phan Thiết cho biết: Trước tình hình dịch covid19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là từ sau đợt bùng dịch thứ tư vào cuối tháng 4/2021 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc công an tỉnh Bình Thuận và Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Công an TP Phan Thiết thực hiện 2 nhiệm vụ song song, đó là vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo an ninh trật tự. Theo đó, Công an TP đã huy động tất cả các lực lượng để phối hợp trong công tác phòng chống và dập dịch với một phương châm ``chống dịch như chống giặc``. Bên cạnh các lực lượng tham gia trực tiếp tại các điểm trực chốt để kiểm soát lượng người và phương tiện ra vào thành phố, thì đơn vị cũng đã tăng cường lực lượng để triển khai các biện pháp nghiệp vụ có liên quan đến các loại tội phạm. Trong đó, xác định việc người dân – đặc biệt các đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh và không gian mạng để xuyên tạc, đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh hay xúc phạm các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận, công an Phan Thiết cũng đã ban hành các kế hoạch, phương án để đấu tranh phối hợp triệt phá. Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, các đội nghiệp vụ của Công an Phan Thiết đã phát hiện nhiều trường hợp đưa thông tin chưa được kiểm chứng, đưa tin sai sự thật, không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh covid19. ``Ngay sau khi phát hiện, bằng các nghiệp vụ Công an Phan Thiết đã yêu cầu các đối tượng có liên quan gỡ các bài viết, bình luận, các thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Và để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Công an Phan Thiết cũng đã tiến hành mời làm việc và xử lý đối với nhiều trường hợp, trong đó có 09 đối tượng xử lý bằng hình thức cảnh cáo; răn đe nhắc nhở 03 đối tượng và xử phạt vi phạm hành chính 06 trường hợp với tổng số tiến 82,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, công an Phan Thiết cũng đã phối hợp với công an Huyện Hàm Thuận Nam xử phạt 01 trường hợp với số tiền 10 trường hợp `` - Thượng tá Đặng Quốc Phát – Phó Trưởng công an TP Phan Thiết, cho biết.
Qua đấu tranh, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này cũng cho thấy, các đối tượng vi phạm rất đa dạng về lứa tuổi, trình độ hiểu biết và cách thức cũng như mục đích đưa thông tin lên mạng. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, giải thích các đối tượng đều nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Trong đó, có không ít trường hợp đăng tin khi chưa nắm rõ toàn bộ sự việc liên quan hay như chia sẻ là để câu like, a dua cùng với nhiều người trên mạng mà không biết thông tin đó đúng hay là sai. ``Và cũng có những trường hợp cảm thấy bức xúc về việc thực hiện các chính sách an sinh để đảm bảo đời sống cho người dân trong thời gian TP Phan Thiết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là người dân trong các khu vực phong toả cứng cảm thấy gò bó không quen nên đã bày tỏ những bức xúc, quan điểm cá nhân trên không gian mạng. Sau khi được phân tích, giải thích việc áp dụng các biện pháp phòng dịch là để sớm ngăn chặn và dập dịch nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến đời sống của người dân và cùng một lúc chính quyền địa phương không thể chăm lo hết cho người dân trong khu phong toả nên cần sự cảm thông và đồng thuận`` - Thượng tá Đặng Quốc Phát – Phó Trưởng công an TP Phan Thiết, dẫn chứng thêm:
Cũng theo lời Phó Trưởng công an TP Phan Thiết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid19, thời gian tới công an Phan Thiết sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhất là trong việc xử lý các thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh cũng như công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trước ảnh hưởng của đại dịch gây ra hiện nay. Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng dịch để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân cùng vượt khó chống dịch. Thượng tá Đặng Quốc Phát – Phó Trưởng công an TP Phan Thiết, mong muốn thêm: ``Qua các biện pháp triển khai, chúng tôi mong rằng người dân sẽ đồng thuận với các cấp chính quyền phố và lực lượng Công an Phan Thiết trong công tác phòng chống dịch Covid19 và sẽ không đưa những thông tin sai sự thật, không chia sẻ hay bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng. Tiếp tục đồng hành cùng thành phố để sớm ngăn chặn và dập dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới``.
Khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại nên việc người dân sở hữu được những thiết bị kết nối mạng Internet ngày càng phổ biến, trong đó facebook hay zalo và một số phương tiện truyền tin khác thông qua chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối mạng ngày càng nhiều. Và cũng chính trên không gian mạng này có rất nhiều thông tin được chia sẻ, truyền tải liên tục. Do vậy, mỗi người dân cần tự nâng cao kiến thức về pháp luật trong việc đăng tải, chia sẻ các thông tin trên không gian mạng, nhất là trong tình hình dịch bệnh covid19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Bởi, việc đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội hiện nay là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiệm. Cụ thể, Điều 99, Nghị định số 15/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang trong nhân dân; và tại Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức phạt tù lên đến 3 năm.