Tháng 6/1945, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận được thành lập, do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Tương phụ trách tổ chức - tài chính; các đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc, Thái Hựu phụ trách các huyện, ngành… phong trào cách mạng từng bước phát triển.
Thực hiện “Lệnh tổng khởi nghĩa” của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc (thông qua ngày 16/8/1945 tại Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào) và thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Trước khí thế cách mạng của nhân dân, ngày 24/8/1945, tỉnh trưởng Huỳnh Dư giao chính quyền cho cách mạng. Ngày 25/8/1945, hàng vạn đồng bào từ các vùng xung quanh Phan Thiết kéo về cùng với đồng bào thị xã Phan Thiết diễu hành biểu dương lực lượng và tập trung tại sân vận động Phan Thiết tham gia mít tinh mừng chiến thắng. Sau mít tinh, quần chúng lần lượt diễu hành qua các phố và các ngã đường làm cho thế cách mạng càng lên cao. Sau đó, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập, gồm 11 ủy viên, đồng chí Nguyễn Nhơn được cử làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Tương làm Phó Chủ tịch.
Sau khi giành chính quyền ở tỉnh và Phan Thiết thành công, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh triển khai cán bộ xuống các huyện tổ chức nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Hàm Thuận, những ngày sau đó bọn tay sai từ phủ, tổng đến xã, phường lần lượt ra trình diện, giao nộp hồ sơ, đồng triện cho cách mạng. Chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Nguyễn Gia Tú được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và ông Nguyễn Hữu Hạnh làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Ở các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong, đồng chí Cổ Văn An được Việt Minh tỉnh phân công phụ trách đã cùng với Ban vận động Việt Minh các huyện lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Đêm 24/8/1945, lực lượng ta tiến vào phủ bộ Hòa Đa, đề lại Phan Thanh Cần và đội quản đồn Hòa Đa đầu hàng, giao ấn tín, vũ khí cho cách mạng. Ngày 28/8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hòa Đa được thành lập, đồng chí Cổ Văn An được bầu làm Chủ tịch, ông Lê Hòa làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Ở Tuy Phong, trưa 27/8/1945, hàng ngàn người dân đổ về xã Long Hương mít tinh, sau đó kéo đến huyện đường, tri huyện Phan Thanh Đạm đầu hàng, giao ấn tín. Tối 27/8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thành lập, do đồng chí Võ Đằng làm Chủ tịch. Ngày 28/8/1945, một số thanh niên trí thức người Việt, người Chăm ở Phan Lý Chàm tiến vào huyện đường, tri huyện Phạm Ngọc Cẩn nhanh chóng giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa. Ngày 29/8, chính quyền cách mạng huyện Phan Lý Chàm được thành lập, ông Thanh Giác được bầu làm Chủ tịch. Ở đảo Phú Quý (lúc này thuộc huyện Tuy Phong), sau khi lính Nhật rút khỏi đảo và nhận chủ trương khởi nghĩa từ đất liền, tối 29/8/1945, một số thanh niên yêu nước cùng cốt cán Việt Minh tổ chức tước vũ khí lính ngụy, lập chính quyền cách mạng, đồng chí Huỳnh Văn Hoạch được bầu làm Chủ tịch. Ở Hàm Tân, các xã Hiệp Nghĩa, Phong Điền, Tam Tân, nơi có đảng viên cũ đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền vào 7 giờ sáng ngày 26/8/1945. Sáng 29/8, các làng Bình Châu, Thắng Hải nhân dân kéo về huyện đường Hàm Tân để biểu dương lực lượng. Chiều ngày 2/9/1945, tại sân banh La Gi, nhân dân các làng xung quanh kéo về làm lễ mừng độc lập, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thành lập, ông Phan Thanh Bá được bầu làm Chủ tịch. Ở huyện Tánh Linh, sau khi tham gia giành chính quyền ở tỉnh, đồng chí Nguyễn Gia Tú được cử lên cùng đồng chí Lê Văn Triều tổ chức khởi nghĩa giành chính thắng lợi. Chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Lê Văn Triều được bầu làm Chủ tịch. Vùng Võ Đắc do tổ chức Đảng huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) lãnh đạo, nhân dân từ cây số 14, 23, 27 tập trung về Võ Đắc tổ chức giành chính quyền. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập, đồng chí Ba Cường được bầu làm Chủ tịch.
Gần một tháng sau ngày khởi nghĩa, hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở ở Bình Thuận đã được thành lập và hoạt động. Ngày 2/9/1945, trên sân vận động Phan Thiết và các huyện, nhân dân trong tỉnh tổ chức mít tinh, diễu hành mừng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Giành được thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thắng lợi chủ yếu được rút ra là:
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
- Cách mạng Tháng Tám thành công là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Trải qua 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã không hề tiếc máu xương, hy sinh oanh liệt vì mục tiêu độc lập dân tộc.
- Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.
Cuộc Cách mạng Thánh tám năm 1945 với Ý nghĩa lịch sử lâu bền đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là:
Một là: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hai là: Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ba là: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.