Cũng như bao chàng trai tuổi 18 đôi mươi, khi nước nhà có giặc ngoại xâm, chàng thanh niên Ngô Văn Dùng – sinh năm 1948 quê ở huyện Cẩm Xuyên – tỉnh Hà Tĩnh đã xung phong lên đường nhập ngũ đầu năm 1967. Sau thời gian huấn luyện đặc công tại tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 5/1967, chàng lính trẻ Ngô Văn Dùng được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc Công thuộc Trung Đoàn 66 Sư đoàn 304 trực tiếp chiến đấu tại “chiến trường lửa” - Quảng Trị. Tại đây, với sự gan dạ, dũng cảm, anh lính đặc công Ngô Văn Dùng đã cùng với đồng đội tham gia hầu hết các trận đánh ác liệt gắn liền với các địa danh như: Khe Sanh, Cam Lộ, Cửa Việt, Sân bay Ái Tử, Đồn Tiên, Dốc Miều, Đông Hà, Triệu Phong ….Và cũng chính từ những chiến thắng quan trọng trên mặt trận đầy khói lửa này, Ngô Văn Dùng đã được tổ chức ghi nhận và kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng 9/1968 ngay tại hầm trú ẩn trên chiến trường. Rồi sau đó - tháng 5/1970, Ngô Văn Dùng được cử đi học tại Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến cuối 1972 trở về lại đơn vị chiến đấu tại Quảng Trị. Đến tháng 7/1974 trong vai trò là Chính trị viên đại đội Trinh sát thuộc Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66, Ông cùng các đồng đội đã trực tiếp chiến đấu giải phóng Thượng Đức – Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay) rồi tiến công chiến thắng Cao điểm 1.062 tại huyện Đại Lộc. Tiếp nối thành tích chiến đấu dũng cảm và dành thắng lợi ấy, vào ngày 28/3/1975 đơn vị của ông lại tiếp tục nhận lệnh hành quân xuống và giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975. Sau khi dành thắng lợi trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Đại đội trinh sát – C20 trung đoàn 66 – sư đoàn 304 – quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ là một trong những lực lượng hành quân thần tốc vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh – giải phóng Miền Nam. Với khí thần tốc, đánh đâu thắng đó, đơn vị của ông đã cùng với bộ đội địa phương lần lượt dành thắng lợi tại các chiến trường trên đường hành quân vào Sài Gòn. Trong đó, khi vừa giải phóng Phan Rang, Đại đội Trinh Sát do ông Dùng làm chính trị viên được lệnh cùng Tiểu đoàn 8 và 3 xe tăng của Lữ đoàn 203 vào giải phóng Bình Thuận theo đề nghị của Bí thư Tỉnh ủy Bình Tuy với Quân Khu 6. Đến khi giải phóng xong Bình Tuy rồi đến Xuân Lộc – Đồng Nai, trong 2 ngày 28 và 29, đơn vị ông tiếp tục hành quân đánh thắng khu vực nước trong ở Bà Rịa Vũng Tàu. Và rồi, 8 giờ sáng ngày 30/4 lịch sử cùng với nhiều đoàn xe khác, đơn vị ông tiến về Sài Gòn, với mục tiêu tiến thẳng vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng sài gòn, thống nhất đất nước. Trực tiếp chiến đấu và chứng kiến thời khắc thiêng liêng khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên Dinh độc lập và hình ảnh chiến thắng của quân ta, anh chính trị viên Đại đội Ngô Văn Dùng cũng như bao người chiến sĩ khác đã vô cùng xúc động và tự hào khi non sông đất nước đã được thống nhất.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Ngô Văn Dùng tiếp tục nhận nhiệm vụ cùng đồng đội đánh thắng bọn Phun rô tại chiến trường Di Linh – Lâm Đồng cho đến 3/1977 chuyển ra làm Chính trị viên Trường Văn hóa Sư đoàn 304 đóng tại Hòa vang – Đà Nẵng. Đến tháng 12/1977, ông được tăng cường cho tỉnh Thuận Hải và được phân công công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thuận Hải, rồi từ năm 1992 đảm nhận Trưởng ban tổ chức Đảng ủy Dân Chính Đảng của tỉnh đến 6/2006 là Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm Bí thư Đảng ủy khối Doanh Nghiệp tỉnh cho đến năm 2007 nghỉ hưu. Sau nghị hưu, ông Dùng tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan tỉnh đến năm 2017 và hiện là Chủ tịch Hội Cựu quân nhân Quân đoàn 2 tại Bình Thuận. Với ông Ngô Văn Dùng, Phan Thiết không phải là mảnh đất chôn nhau cắt rốn nhưng ông xem đây như là một cái duyên và là quê hương thứ 2 của mình. Để rồi sau 46 năm đất nước thống nhất, niềm vui, niềm tự hào của người lính cụ Hồ - người đảng viên 53 tuổi Đảng Ngô Văn Dùng không chỉ là những tháng năm chiến đấu gian khổ trên chiến trường hay là sự cống hiến của bản thân khi về với đời thường mà đó còn là sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam luôn dành thắng lợi. Đi cùng với sự phát triển ấy là bộ mặt của đô thị Phan Thiết ngày một khởi sắc hơn. Phát huy vai trò của người đảng viên, người lính Cụ Hồ, với ông Ngô Văn Dùng còn là niềm tin sắt son với Đảng. Đặc biệt, tiếp nối thành công của Đại hội đảng các cấp, Đảng và Nhà nước ta đang lãnh đạo rất thành công cuộc phòng chống dịch Covid19. Chính điều này càng làm cho người cựu chiến binh Ngô Văn Dùng thêm tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Ghi nhận những thành tích của cá nhân ông Ngô Văn Dùng, Đảng và Nhà nước cũng đã phong tặng ông nhiều danh hiệu cao quý, như: Huy hiệu 50 năm tuổi đảng, Huân chương Chiến công hạng 3, Dũng sỹ giệt Mỹ cấp ưu tú, Chiến sỹ thi đua năm 1967 và 1968 cùng nhiều kỉ niệm chương trong các chiến dịch Đường 9 – khe Sanh, Thành Cổ Quảng Trị, Chiến dịch Hồ Chí Minh và các bằng giấy khen các loại.