Theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn Phan Thiết tiếp tục diễn biến rất phức tạp, mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh, triệt phá, bắt giữ, xử lý nhưng số vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma tuý được phát hiện ngày càng có chiều hướng gia tăng, nổi lên là mua bán, sử dụng ma túy tại các quán bar, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke. Đối tượng hoạt động ma tuý trên địa bàn thành phố đa dạng, bao gồm cả hoạt động bán lẻ cho đối tượng nghiện, hoạt động cung cấp hàng cho đối tượng bán lẻ. Tính chất hoạt động của phạm tội về ma tuý rất manh động, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội và tẩu tán tang vật khi bị cơ quan Công an phát hiện. Nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma túy tổng hợp bị ảo giác (ngáo đá) đã có hành vi gây rối trật tự và xâm phạm tài sản của người khác; một số vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng trên địa bàn thành phố do đối tượng nghiện ma túy gây ra. Tình trạng trồng cây cần sa còn xảy ra ở một số địa bàn. Tính đến ngày 15/10/2020, toàn thành phố có 830 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 355 người so với cùng kỳ năm 2019); 18/18 phường, xã đều có tệ nạn ma túy và đây là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn như: trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản, cố ý gây thương tích,… ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Từ thực trạng trên, công tác đấu tranh, triệt phá tội phạm ma túy đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền phát động phong trào toàn dân phòng chống tệ nạn ma túy đã được các cấp ủy đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở triển khai kịp thời. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Công an thành phố đã phối hợp các lực lượng liên quan phát hiện, triệt phá 83 vụ tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý, bắt 116 đối tượng (tăng 20 vụ/40 đối tượng so với cùng kỳ năm 2019); qua đó khởi tố 84 vụ/108 bị can. Tang vật thu giữ gồm: 8 bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá; 30 điện thoại di động; 17 cân tiểu ly; 16 xe mô tô, gần 23 triệu đồng tiền mặt cùng một lượng lớn ma túy các loại như: Hêrôin, Methamphetamine, Ketamine, Cần sa. Ngoài ra, còn tiếp nhận của phòng PC04 - Công an tỉnh 15 vụ/17 đối tượng, Đồn Biên phòng Thanh Hải, Mũi Né 07 vụ/ 08 đối tượng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của TP cũng đã lập hồ sơ 170 trường hợp đưa đối tượng nghiện ma túy vào quản lý, giáo dục tại xã, phường theo Nghị định số 111 và 68 trường hợp đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221 của Chính phủ. Ngoài ra, còn phối hợp theo dõi, quản lý đối với 280 người nghiện đang điều trị bằng chất Methadone thay thế; tư vấn giúp đỡ gia đình vận động đưa 41 người nghiện vào cơ sở cai nghiện theo hình thức tự nguyện. Cùng với sự chủ động trong công tác đấu tranh, triệt phá của các lực lượng chức năng thì công tác phối kết hợp của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các địa phương đem đến những kết quả tích cực trong công tác phòng chống ma túy trên địa bàn Phan Thiết.
Qua công tác phân tích, đánh giá cho thấy công tác phòng chống ma túy trên địa bàn Phan Thiết vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra; trong đó, tình hình tội phạm ma túy vẫn đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự của địa phương. Chính vì vậy, kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Luân – Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Thiết yêu cầu: “Cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần chủ động và quyết liệt hơn trong công tác đấu trong phòng chống tội phạm ma túy, xem đây là biện pháp thường xuyên liên tục trong lãnh đạo điều hành đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp và những đối tượng có nguy cơ cao; Yêu cầu đồng chí Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND phường xã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cán bộ mặt trận, các đoàn thể, đoàn viên, hội viên nòng cốt ở cấp xã phường, khu phố thôn phụ trách quản lý, theo dõi, giúp đỡ từng người nghiện ma túy trên địa bàn; Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với các ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức các chương trình tuyên truyền phòng chống ma túy với nhiều hình thức tại các trường học; Công an, Đồn Biên phòng Thanh Hải và Mũi Né tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành liên quan rà soát, thống kê nắm chắc số đối tượng nghiện đi đôi với đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, tập trung vào các tuyến, các địa bàn trọng điểm, kiên quyết không để phát sinh tụ điểm, địa bàn phức tạp mới. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phan Thiết trong truy tố, xét xử các vụ án phạm tội về ma túy, đảm bảo kịp thời nghiêm minh, đúng pháp luật”.