Hình: Ông Lê Hồng Dũng trong một lần ghé thăm bà Nguyễn Thị Mãn.
Do đang trong thời gian thực hiện chủ trương cách ly xã hội theo chỉ đạo của các cấp chính quyền vì dịch Covid 19 nên ông Lê Hồng Dũng – sinh năm 1952 - nguyên chính trị viên Thị đội Phan Thiết không thể đến thăm những đồng đội cùng tham gia chiến đấu giải phóng quê hương Phan Thiết cách đây 45 năm về trước; hay như thăm gia đình mẹ Nguyễn Thị Mãn ở xã Hàm Mỹ huyện Hàm Thuận Nam – người đã từng nuôi dấu ông trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và cùng với các hội viên cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa nơi Khu Lê, Núi Ba Hòn, Bưng Cò Ke – những địa danh đã đi vào lịch sử kháng chiến của Phan Thiết – Bình Thuận. Dẫu vậy, mỗi dịp tháng tư về trong lòng người lính Cụ Hồ ấy vẫn luôn hiện hữu những kí ức về những năm tháng chiến đấu, hy sinh cùng đồng đội tại chiến trường Phan Thiết – Bình Thuận để cùng góp vào thành quả giải phóng quê hương cách đây 45 năm về trước - ngày 19/4/1975. “Những tình cảm, những hồi ức về những ngày tháng tư lịch sử luôn in đậm trong tôi. Vì đây không chỉ là thời khắc giải phóng quê hương Phan Thiết mà còn là thời khắc gợi nhớ về ngày non sông thống nhất. Ngày mà cách đây 45 năm về trước, tôi cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng hết mình” cựu chiến binh Lê Hồng Dũng, chia sẻ thêm. Và đối với ông Dũng, cũng chính những năm tháng không thể nào quên ấy đã tôi rèn nên ý chí chiến đấu ngoan cường giúp ông cùng đồng đội chiến thắng kẻ thù và là cơ hội để ông phát huy vai trò, khả năng lãnh đạo của mình. Bởi, thoát ly tham gia kháng chiến từ tháng 7/1967, sau khi nhập ngũ ông được phân về Đại đội 1/481 rồi đảm nhận vị trị chính trị viên Đại đội vào năm 1974, rồi sau đó tiếp tục đảm nhận vị trí quan trọng này tại các đơn vị như: Đại đội 2/481, Đại đội 4/482, Đại đội Cảnh vệ - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, rồi chính trị viên Đại đội 2 – Tiểu đoàn 978 rồi sau đó đảm nhận chính trị viên Thị đội Phan Thiết giai đoạn 1982 – 1988. Bản chất người lính Cụ Hồ trong ông vẫn chưa cho phép ông nghỉ ngơi. Bởi sau một thời gian nghỉ hưu, ông Lê Hồng Dũng tiếp tục được giao nhiệm vụ trưởng công an xã Phong Nẫm cũ rồi Phó chủ tịch HĐND phường Phú Tài, chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Phan Thiết và hiện nay là bí thư chi bộ khu phố 3 phường Phú Tài – nơi ông sinh sống. Trực tiếp lãnh đạo đơn vị chiến đấu giải phóng quê hương trong những ngày tháng tư lịch sử cho đến việc tiếp tục góp sức vào các phong trào của địa phương khi đảng cần dân cử, với cựu chiến binh Lê Hồng Dũng tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên, người lính cụ Hồ là phải “chiến đấu đến cùng”. Cựu chiến binh Lê Hồng Dũng, nói: “bản thân tôi luôn luôn muốn phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ. Dù ở một cương vị nào, ở một tuổi tác nào cũng luôn gương mẫu, vận động nhân dân, anh em cựu chiến binh cùng thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước và tích cực tham gia xây dựng phong trào của địa phương. Tôi nghĩ rằng, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng một đất nước của chúng ta, một quê hương của tôi rất là đàng hoàng, rất là đẹp đẽ. Làm cho khách quốc tế các nơi đều khen ngợi. Tôi cảm thấy tự hào cho quê hương, đất nước của mình”.
Còn đối với ông Trần Văn Thanh - sinh năm 1956 nguyên là Chính trị viên Thành đội Phan Thiết giai đoạn 1999 – 2009, hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Phan Thiết, dù chỉ thoát ly tham gia bộ đội từ sau ngày quê hương giải phóng nhưng với ông được chứng kiến sự phát triển đi lên của Phan Thiết từ những ngày đầu cũng là một niềm vinh hạnh và tự hào lớn. Ông Trần Văn Thanh, chia sẻ thêm: “Sau 45 năm giải phóng, đất nước ta có lúc còn trải qua khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo đất nước phát triển nói chung, trong đó có quê hương Phan Thiết, Bình Thuận phải nói là có sự đổi mới vượt bậc. Cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Chính điều này đã mang lại sự tin tưởng cho nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền. Bản thân tôi rất là phấn khởi”.
Lịch sử truyền thống vẻ vang của quân và dân Phan Thiết, Bình Thuận trong những ngày tháng tư lịch sử cách đây 45 năm vẫn luôn được lưu giữ với khí thế “quyết chiến quyết thắng”, với nhịp độ “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự hỗ trợ của lực lượng cấp trên, các mũi tấn công của ta đã tiến vào Phan Thiết; các chiến sĩ Thị ủy, Thị đội và các Đội công tác, với sự yểm trợ của các lực lượng của tỉnh đã bắn phá mãnh liệt vào các vị trí trung tâm thị xã và Tiểu khu, các kho hậu cần, kho xăng, kho đạn, bắt sống toàn bộ binh lính địch, đánh chiếm các cơ quan đầu não, giải phóng nhà lao- giải thoát hơn 400 đồng bào, chiến sĩ bị giam giữ. Đúng 05 giờ ngày 19/4/1975, Bộ chỉ huy tiền phương và các cơ quan của Tỉnh, thị xã đã tiến vào Phan Thiết, kêu gọi toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện và nộp vũ khí. Cờ giải phóng đã được các chiến sĩ cắm tại Ủy ban Thị xã và tại trụ sở ấp Bình Hưng. Sau đó, khắp các phố phường, cờ giải phóng lần lượt xuất hiện. Phan Thiết đã hoàn toàn được giải phóng. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phan Thiết đã và đang nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Phan Thiết thật sự mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về quốc phòng - an ninh, xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật của tỉnh nhà. Với mong muốn các thế hệ mai sau tiếp tục phát huy truyền thống quê hương góp sức dựng xây Phan Thiết, Bình Thuận ngày càng giàu mạnh, cựu chiến binh Lê Hồng Dũng, nói: “rất mong thế hệ trẻ tiếp bước cha anh để gìn giữ và xây dựng đất nước ta càng ngày càng phát triển đi lên, xứng đáng với truyền thống mà ông cha để lại”.
Còn đối với cựu chiến binh Trần Văn Thanh: “Mong sao thế hệ trẻ sẽ tiếp bước các thế hệ đi trước để và bảo vệ thành quả cách mạng của ông cha đã chiến đấu, hy sinh mới dành được; tiếp bước và giữ vững mãi mãi về sau. Để làm được điều này, thế hệ trẻ sau này phải ra sức rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của thời đại; đồng thời phải nhận thức đúng và giữ vững lòng trung thành dưới sự lãnh đạo của Đảng ta để tiếp nối thành quả cách mạng như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời”.
Viết tiếp những trang sử vẻ vang về quê hương Phan Thiết Anh hùng, “Phố Biển” hôm nay đang cùng với tỉnh nhà tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid 19. Sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã từng chiến đấu để dành lại chiến thắng cho quê hương Phan Thiết, Bình Thuận sẽ viết tiếp khúc ca khải hoàn mừng quê hương, đất nước ngày càng đổi mới.