Sinh năm 1976, từ nhỏ cô giáo Nguyễn Ngọc Thủy đã mơ ước lớn lên sẽ làm nghề “gõ đầu trẻ”. Với ước mơ đó nên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người nữ giáo viên này luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện cả đạo đức, lẫn tinh thần để sau này được đứng trên bục giảng. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Thủy đã thi và đậu vào trường trung học sư phạm Bình Thuận năm 1994, chuyên ngành giáo dục tiểu học. Năm 1996 khi ra trường, cô bắt đầu thực hiện được ước mơ “gõ đầu trẻ ngày nào. 23 năm công tác trong nghề giáo, cô được phân công giảng dạy ở rất nhiều trường khác nhau, như trường tiểu học Mương Mán - xã Mương Mán - Huyện Hàm Thuận Nam, rồi trường tiểu học Phú Hài 2; nhưng có lẽ ấn tượng nhất với cô vẫn là tại trường tiểu học Thanh Hải. Ấn tượng là bởi lẽ, một trường học trong nội thành thành phố, nhưng học sinh tiểu học vẫn chỉ được học 1 buổi, thay vì 2 buổi như các trường tiểu học bạn. Và càng ấn tượng hơn, khi học sinh theo học nơi đây phần nhiều rất khó khăn, trong số đó có em 1 buổi đi học, buổi còn lại phải phụ giúp gia đình kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Với cô Nguyễn Ngọc Thủy, những khó khăn của trường tiểu học Thanh Hải vừa như những thử thách, lại vừa như một đam mê để cô vượt khó với nghề. Vì thế, 10 năm công tác ở trường là khoảng thời gian cô dành tất cả tâm huyết của 1 người thầy để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh nơi đây. Những năm đầu khi về trường tiểu học Thanh Hải, cô được phân công giảng dạy duy nhất ở khối lớp 4; thế nhưng 2 năm học trở lại đây, cô được BGH nhà trường và đồng nghiệp tín nhiệm giao cho nhiệm vụ kèm cặp, dạy dỗ các em học sinh khối lớp 1. Giảng dạy ở khối lớp này khó khăn, vất vã hơn vì các em còn nhỏ, nên ngoài rèn con chữ, cô phải uốn nắn các em từ việc cầm bút, tư thế ngồi học, đến cách đi, đứng với một mục đích duy nhất là giúp các em trở thành những học trò giỏi, ngoan ngoãn.
Năm học này, cô Nguyễn Ngọc Thủy được phân công là trưởng khối lớp 1,2,3, với nhiệm vụ này đòi hỏi người tổ trưởng như cô phải luôn gần gũi, sâu sát với các thành viên trong tổ; nhất là luôn tìm mọi cách để tạo sự đoàn kết giữa các đồng nghiệp với nhau. Bởi theo cô, có đoàn kết thì việc gì cũng hoàn thành, mà hoàn thành một cách tích cực và hiệu quả. Với trách nhiệm là người đầu tàu trong tổ, ngoài việc thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao, có giải pháp hợp lý đem lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy và quản lý tổ; cô còn thường xuyên nghiên cứu, cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy - cùng với các thành viên trong tổ nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Điều này lý giải vì sao, kết thúc năm học 2018-2019 vừa qua, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng của lớp học do cô đảm trách đạt tỷ lệ 99%.
Bằng sự sắp xếp khoa học, hợp lý, nên thành tích cô Nguyễn Ngọc Thủy có đươc sau 23 năm công tác trong nghề giáo, đó là được công nhận “giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vĩnh viễn” từ năm học 2014-2015 - thời điểm năm học đó thành phố Phan Thiết chỉ có 3 giáo viên được công nhận. Ngoài ra, cô còn được nhận Bằng khen của UBND tỉnh trong phong trào “thi đua yêu nước” và nhiều giấy khen khác của ngành và của trường. Hiện cô Thủy cũng là giáo viên cốt cát trong chương trình thay sách mới của tỉnh. “Nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm với nghề và luôn gần gũi, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp, đó là những ấn tượng tốt đẹp khi cô Nguyễn NGọc Thủy công tác tại trường”, cô Phạm Thị Phượng, hiệu trưởng trường tiểu học Thanh Hải, chia sẻ.
Mặc dù tâm huyết với nghề là thế, nhưng nhìn sâu trong đôi mắt của nữ giáo viên Nguyễn Ngọc Thủy vẫn còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Nỗi niềm là bởi lẽ hiện nay, người con trai thứ hai của cô - mặc dù đã lên lớp 7, nhưng em lại bị khuyết tật vận động nên mọi sinh hoạt từ đi, đứng phải dựa vào ba mẹ và chị hai càng làm chô cô có phần khó khăn hơn. Thương con và cũng muốn hoàn thành vai trò, trách nhiệm được giao ở trường nên cô luôn sắp xếp thời gian hợp lý ở trường cũng như ở nhà để vừa chu toàn trách nhiệm của 1 giáo viên đứng lớp, vừa hoàn thành thiên chức của người làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Và bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, cô Nguyễn Ngọc Thủy được ví như “người lái đò” tận tụy, cần mẫn đưa từng lớp lớp học sinh đến bến bờ tri thức bình an. Có nhiều học sinh thường ghé về thăm cô nhân các ngày lễ lớn. Với cô, đó chính là chất xúc tác để cô thêm yêu đời, yêu nghề; mặc dù vẫn còn đó những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.