Cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, lúc sinh ra chị Lê Thị Thu Hồng cũng có đôi mắt sáng long lanh. Chỉ đến năm 12 tuổi, sau một trận sốt kéo dài chị không còn nhìn thấy gì nữa. Lúc này gia đình mới đưa chị đi khám bác sỹ, nhưng đã quá muộn, chỉ cứu được một phần con mắt bên phải còn mắt trái bị mù hoàn toàn. Thương con, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn bố mẹ chị cũng lại vay mượn, cầm cố tài sản để đưa con đi các bệnh viện lớn hơn, nhưng kết quả cũng không thay đổi. Mắt trái dù nhìn thấy nhưng cũng chỉ phân biệt được ánh sáng và bóng tối còn mọi thứ đều phải mò mẫm. Tưởng chừng như cuộc sống của chị Lê Thị Thu Hồng sẽ chỉ thu hẹp trong bóng tối. Nhưng không, được sự động viên của gia đình, chị Hồng đã được hội người mù TP.Phan Thiết giới thiệu lên hội cấp trên để được học chữ Brai và học nghề dành cho người mù. Và giờ đây, ngoài công việc tại cơ sở xoa bóp bấm huyệt Bừng Sáng của hội người mù tỉnh với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng một tháng, chị còn có một niềm vui lớn hơn đó là chăm lo cho cậu con trai Lê Minh Hào – sinh năm 2001. Khi được hỏi về việc chăm sóc con khi cháu còn nhỏ, chị Hồng cho biết: Lúc bấy giờ dù mặc cảm, tủi thân nhưng chị đều nỗ lực cố gắng và mọi việc đều có sự trợ giúp của ông bà ngoại. Thương con, chị cũng đã nộ lực cố gắng làm việc để con mình được ăn học nên người. Nhưng đến năm lớp 10, khi ông bà ngoại mất đi, thương mẹ một thân một mình mưu sinh cực nhọc, Lê Minh Hào đã xin nghỉ học và ở nhà phụ mẹ.
Trong căn nhà tình thương được hội người mù hỗ trợ xây dựng từ nhiều năm trước, 2 mẹ con chị Lê Thị Thu Hồng vẫn sớm tối quây quần bên nhau. Dù tài sản không có gì nhiều nhưng với chị Hồng đứa con đang tuổi lớn là tài sản lớn nhất đời chị. Tưởng tượng hình ảnh con đang từng ngày khôn lớn cũng chính là động lực để chị vượt lên nghịch cảnh tiếp tục sống, làm việc để chăm sóc gia đình và tự lo cho bản thân mình. Chị cũng chính là tấm gương để nhiều phụ nữ mù noi theo. Hội người mù Phan Thiết hiện có 260 hội viên, trong đó 155 người mù là nữ. Những năm qua, bên cạnh quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, hội còn tích cực vận động và tổ chức nhiều hoạt động thăm tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hội còn phối hợp để được nhiều người mù học nghề và có việc làm để chăm lo cho bản thân, giúp họ bớt tự ti, mặc cảm để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Quả thật, khi tiếp xúc với chị Lê Thị Thu Hồng, được nghe chị kể về cuộc đời gian khó của mình và đặc biệt là hành trình làm mẹ đơn thân của chị làm chúng tôi vô cùng xúc động. Không chỉ khâm phục người phụ nữ ấy mà chúng tôi luôn thấy ở chị niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống. Bởi đối với một người phụ nữ bình thường việc nuôi con một mình đã là rất khó nhưng với chị - một người phụ nữ mù – chị đã làm được hơn thế. Chính vì vậy, mong ước của chị hiện nay chính là có nhiều sức khỏe để làm việc lo cho cuộc sống 2 mẹ con.
Đúng vậy, với hoàn cảnh của chị bây giờ chị mong ước sức khỏe cũng là điều dễ hiểu. Vì chỉ có sức khỏe chị mới có thể tiếp tục làm việc trước nghịch cảnh mù lòa của mình. Thầm cảm phục trước ý chí vươn lên không mệt mỏi của người phụ nữ mù giàu nghị lực, chúng tôi mong cho điều mong ước luôn là hiện thực.