Thầy giáo Trần Văn Đê – hiện đang công tác tại Trường THCS Tiến Thành, là một trong số những giáo viên đã gắn bó với công tác phổ cập trong nhiều năm học qua. Trực tiếp đi vận động các em học sinh bỏ học để tham gia các lớp phổ cập vào ban đêm do chính mình giảng dạy, thầy Đê chứng kiến không ít hoàn cảnh học sinh trong diện này. Bởi bên cạnh một số em không muốn đi học dù đã được gia đình, thầy cô vận động thì vẫn còn đó những học sinh dù muốn đi học nhưng do chuyển nhà vào rẫy sinh sống, xa trường nên cha mẹ cho nghỉ luôn. Chính điều này đã làm cho công tác vận động ra lớp cũng như phổ cập giáo dục của nhà trường gặp không ít khó khăn.
Qua trao đổi với thầy Nguyễn Văn Minh – bí thư chi bộ - hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thành, được biết: Để đảm bảo tiêu chí phổ cập giáo dục bậc THCS trong xây dựng nông thôn mới đối với trường THCS Tiến Thành là một khó khăn đặt ra cho nhà trường. Bởi việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục tại trường trong những năm học qua đã gặp không ít trở ngại, nhất là từ phía các em học sinh và gia đình. Riêng trong năm học 2017 – 2018, nhà trường cũng đã mở được một lớp bổ túc văn hóa cho 17 học sinh chưa tốt nghiệp THCS tại địa phương, đồng thời vận động số học sinh bỏ học ra các lớp phổ cập. Bước sang năm học 2018 – 2019 này, toàn trường có 316 học sinh và được phân thành 10 lớp. Ngoài số học sinh này, hiện vẫn còn 11 em chưa ra lớp, trong đó khối 6 đầu cấp có 5 em. Qua rà soát, nhà trường xác định được trong số 5 em lớp 6 chưa ra lớp, thì thôn Tiến Bình có 3 em và 2 em còn lại ở thôn Tiến Hải và Tiến Phú. Do vậy, ngay từ bây giờ ban giám hiệu nhà trường cũng đã phân công cho giáo viên phối hợp cùng ban điều hành các thôn tiến hành vận động các em ra lớp.
Tiến Thành là một trong những địa bàn nằm xa trung tâm thành phố Phan Thiết, học sinh chủ yếu là con em của các gia đình lao động biển và làm rẫy, nên sự quan tâm, chăm sóc việc học hành của con em mình chưa được chú trọng nhiều. Trong khi đó, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí liên quan đến ngành GD&ĐT, đó là tiêu chí số 5: Trường học và tiêu chí số 14: Giáo dục. Cụ thể, tiêu chí số 5: Xã nông thôn mới phải có 80% trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Tiêu chí 14: xã đạt phổ cập giáo dục trung học, có 85% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc hoặc học nghề; có trên 35% lao động qua đào tạo. Đối chiếu các tiêu chí này với thực trạng hiện nay, thì về phần cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên ở cả 3 bậc học: từ mẫu giáo mầm non, tiểu học cho đến THCS tại xã Tiến Thành đều đã được quan tâm đầu tư, xây dựng đáp ứng đúng chuẩn theo yêu cầu của tiêu chí số 5. Riêng tiêu chí số 14 mà cụ thể là tiểu tiêu chí 14.3, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tiến Thành cũng đã họp bàn và phân công cụ thể từng thành viên đảm trách từng công việc để điều tra, cập nhật, quản lí hồ sơ sổ sách một cách khoa học, đồng bộ, nhằm đạt chuẩn theo yêu cầu.
Kết quả rà soát trong năm 2017 vừa qua, xã Tiến Thành cũng đã được các cấp ngành công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Cụ thể, ngoài việc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Tiến Thành cũng đã thực hiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; Đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và Đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Do vậy, để tiếp tục duy trì kết quả này, các trường học tại Tiến Thành cũng đang nỗ lực để thực hiện những công việc cần thiết. Trong đó, vận động các trường thực hiện công tác xã hội hóa để giúp đỡ các học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời thực hiện tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”; tổ chức các hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh, tăng cường công tác nâng chất lượng, hạn chế học sinh có học lực yếu kém để giảm dần học sinh bỏ học giữa chừng.
Với những biện pháp tích cực nêu trên, hy vọng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại xã Tiến Thành nói riêng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, để góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, qua đó đưa xã nhà được công nhận vào cuối năm 2018.