Là một giáo viên trường THCS Hồ Quang Cảnh ở xã Thiện Ngiệp- TP Phan Thiết, chị Ngô Nguyễn Hằng Thư thường xuyên khoác trên người chiếc áo dài mỗi khi đi dạy và cảm thấy rất đỗi tự hào vì ngành nghề yêu quý của mình lại gắn liền trang phục đặc biệt này. Không những thế, ngoài giờ dạy thì trong các dịp như: múa hát, dự tiệc cưới …, chị cũng thường lựa chọn áo dài.
Có thể nói, không riêng gì chị Thư mà mấy năm gần đây, rất nhiều chị em chọn áo dài làm trang phục vào mỗi độ tết đến xuân về bởi nét đẹp dịu dàng, duyên dáng mà sang trọng. Họ mặc áo dài đi chùa, đi chúc tết ông bà hay dạo phố, chụp ảnh… Từ truyền thống tới cách tân, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi. Nhờ có những kiểu dáng áo dài cách tân với họa tiết trẻ trung, cá tính và năng động mà các bạn trẻ cũng không ngần ngại rủ nhau mặc áo dài đón tết. Vào những ngày chợ tết diễn ra, từng nhóm bạn mặc áo dài để hòa vào khung cảnh nhộn nhịp ghi lại những bức ảnh thật đẹp, rồi chia sẻ lên trang mạng xã hội, vừa khoe chính mình, vừa khoe cả tà áo dài thướt tha. Áo dài đã và đang trở thành một phần của tết, làm nên không khí tết trọn vẹn. Mặc áo dài ngày tết không phải trào lưu một sớm một chiều, mà là một biểu tượng tự hào cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt.
Còn đối với những người tạo ra những chiếc áo dài thì có suy nghĩ thế nào? Có lẽ hơn ai hết, họ là những người nâng niu khi chính tay cắt may từng đường kim mũi chỉ. Tại tiệm may Hiệp Phượng, do chị Nguyễn Thị Kim Phượng (chi hội trưởng phụ nữ khu phố E, phường Thanh Hải) làm chủ những ngày giáp tết vừa qua cũng được nhiều chị em tìm đến mua áo dài khá đông. Nhờ giá cả phải chăng và sự chịu khó tìm tòi, cập nhật mẫu mã đa dạng nên không những thu hút khách địa phương mà nhiều khách nước ngoài cũng rất hài lòng.
Chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam hiện nay đã được cách tân rất nhiều, nó có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: dùng làm trang phục công sở của công chức, viên chức, đồng phục đi học của học sinh, sinh viên, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà, trong những dịp quan trọng như cho trang phục cho cô dâu càng thêm quý phái. Có thể thấy, ở một góc độ nào đó, nhờ có áo dài cách tân, văn hóa mặc áo dài của người Việt đã được hồi sinh mạnh mẽ, đưa áo dài đi vào đời thường, gần gũi với người dân hơn.
Bên cạnh đó, thiết thực hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố Phan Thiết đã lần đầu tiên phát động tất cả nữ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, phụ nữ, nữ sinh trong toàn thành đồng loạt mặc áo dài vào các dịp lễ trong năm 2020, hoạt động hưởng ứng tập trung cao điểm vào “Tuần lễ áo dài”. 20/20 cơ sở Hội tổ chức trình diễn áo dài Việt Nam nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tổ chức Hội, trong đó có 03 đơn vị tổ chức hội thi Duyên dáng áo dài (là: Hàm Tiến, Thiện Nghiệp, Phú Thủy). Và trong năm 2021, những hoạt động này được tiếp tục thực hiện với nhiều hình thức phong phú hơn.
Có thể khẳng định, tà áo dài là niềm tự hào của người Việt, cũng là điểm nhấn mỗi khi du khách nước ngoài nhắc đến đất nước ta. Bởi thế, nhiệm vụ của chúng ta là phải trân quý, giữ gìn nét văn hóa dân tộc và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.