Tuy nhiên trong thực tế, gia đình Việt Nam gần đầy xuất hiện nhiều biến động sâu sắc, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước, những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho mô hình gia đình Việt Nam trước đây thay đổi đáng kể, nhưng cũng gặp rất nhiều thử thách, những chấn động khác thường đối với từng giá trị, chức năng của mỗi gia đình, sự nhận thức sai lệch về chuẩn mực giá trị đạo đức, chạy theo tiện nghi vật chất, đề cao đồng tiền dẫn đến có nơi, có lúc con người đã chà đạp lên luân thường đạo lý, làm rạng nứt các nền tảng, nền nếp gia phong tốt đẹp vốn có của gia đình Việt Nam truyền thống mà ông cha ta đã xây dựng qua bao thế hệ. Đã có những hiện tượng tệ nạn xã hội phát sinh ngay trong lòng các gia đình như: nạn nghiện hút ma tuý, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, buôn lậu, mê tín dị đoan... Lối sống thực dụng nẩy sinh do hoàn cảnh thực tế và ảnh hưởng của văn hoá xấu từ bên ngoài đã tạo nên những hội chứng xã hội đáng lo ngại như: tính ích kỷ, sự thờ ơ vô cảm đối với nỗi bất hạnh của đồng loại...
Do đó, mục đích làm giàu, xây dựng đời sống kinh tế của mỗi gia đình Việt Nam hôm nay cần phải phát triển song song với việc củng cố nếp sống, lối sống có văn hoá, mang những bản sắc đạo đức – thẩm mỹ truyền thống của dân tộc bắt đầu từ mỗi cá nhân, nhân cách của mỗi người Việt Nam, thể hiện qua từng gia đình Việt đã được Đảng và Nhà nước ta đang quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện qua “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/5/2012. Với Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều mục tiêu, nhưng tựu chung là “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Để thực hiện được mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị của chúng ta phải bắt tay thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Chiến lược đã đề ra, trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là: Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá một cách bền vững, đúng thực chất nhằm hướng các gia đình vươn tới chuẩn mực ấm no, bình đẳng, dân chủ, hoà thuận, tiến bộ, hạnh phúc, với gia đình quy mô nhỏ, ít con, giàu có và văn minh. Với giải pháp hàng đầu là công tác tuyên truyền, vận động thông qua từng gia đình xây dựng nhân cách người Việt Nam để mỗi cá nhân, mỗi gia đình có một nhận thức đúng đắn hơn về tương lai của một gia đình ổn định, bền vững và phát triển .
Hai là: Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình có hiệu quả để nhân rộng và kịp thời phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ba là: Xây dựng gia đình văn hoá là công việc lâu dài, bền bỉ do đó cần đề cao trách nhiệm của toàn xã hội, của các ngành, các cấp, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phối hợp và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả như Chiến lược của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Bốn là: Cần kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng gia đình văn hoá với các phong trào vận động xã hội của các ngành khác để tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp lẫn nhau. Đặc biệt phải gắn bó với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động để gắn kết phương châm “Đoàn kết, trật tự, vệ sinh, văn minh, giàu có” và các phong trào khác như “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Con ngon, trò giỏi” để giáo dục nhân cách con người từ gia đình và xã hội.
Để xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình văn hoá hiện nay, chúng ta cần có tiếng nói chung của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng gia đình để cùng nhau hợp sức, đồng tâm thực hiện có hiệu quả trên cơ sở mục tiêu chung là: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, nhằm đưa dân tộc Việt Nam, làm cho văn hoá thấm sâu vào đời sống xã hội, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với quan điểm chỉ đạo là: Xây dựng văn hoá lấy chăm lo thường xuyên xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp làm cốt lõi, trọng tâm với các đặc tính cơ bản là “Yêu nước, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, thuỷ chung, trung thực, trí tuệ, nhân văn, tự chủ...” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.