Trước hết, là phải bằng nhiều hình thức thích hợp, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng mà đẩy mạnh tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng mức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển; gắn với rà soát và điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và tình hình thực tế của từng địa phương, nhất là các quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Cơ cấu lại quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là các sản phẩm có lợi thế, có thị trường. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hạ tầng kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Thiết đến năm 2040 đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch kinh tế vùng và các quy hoạch chuyên ngành khác của tỉnh. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị kinh tế cao và bền vững như thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, các loại nông sản sạch, an toàn và hiệu quả kinh tế cao; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, nhất là đối với các con nuôi chủ lực tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị hàng hóa cao gắn với thị trường tiêu thụ. Khuyến khích phát triển tàu thuyền có công suất lớn với trang thiết bị hiện đại, khai thác xa bờ gắn với mô hình Tổ đoàn kết khai thác và dịch vụ hậu cần trên biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhất là là lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, giao thông, viễn thông. Tạo chuyển biến căn bản về phương thức sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn nhất là thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp mở rộng các ngành nghề dịch vụ gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hoá; phát huy vai trò của doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc định hướng cho nông dân về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản và thị trường tiêu thụ; phát triển mạnh các hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân nhất là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao trình độ dân trí ở các địa bàn nông thôn; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận và ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao vùng nông thôn; đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào nền nếp và thực chất. Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và của nông dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mở rộng hình thức hợp tác công - tư để phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tăng cường công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của các xã nông thôn, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi và Tiến Thành để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp./.