Một ngày cuối tháng 7/2020, PV. chúng tôi tìm đến nhà của CCB Trần Minh Tuấn ở khu phố 3 phường Phú Tài. Nằm lọt thỏm giữa vườn thanh long cùng mấy luống rau xanh của gia đình, ngôi nhà của cựu chiến binh này dường như nhỏ lại như chính hình ảnh của ông sau cơn đại phẫu thuật cắt bỏ bàng quang vì khối u ác tính. Đi lại khó khăn và luôn phải đeo bên mình 2 ống dẫn nước tiểu từ 2 quả thận, nhưng khi nhắc đến việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, gương mặt - vốn hằn lên những nếp nhăn khắc khổ - như vui vẻ hẳn lên. Mở đầu câu chuyện, cựu chiến binh Trần Minh Tuấn cho biết: Tham gia kháng chiến chống Mỹ từ những năm 1960 cho đến khi đất nước thống nhất, và đặc biệt trong vai trò là trưởng ban quân y Thị đội Phan Thiết – đại đội trưởng Đại đội 1 Đặc công 481 giai đoạn 1970 đến 1974, từng trải qua nhiều vị trí chiến đấu, hơn ai hết ông Tuấn càng thấu hiểu những mất mát, hy sinh mà cuộc chiến đấu dành độc lập tự do đem đến cho cả dân tộc ta. Ở đó có những người bạn – người đồng chí, đồng đội vừa mới gặp hôm trước, hôm sau lại nhận được tin hy sinh; hay người chỉ huy vừa mới biên thư động viên ông cùng đơn vị dũng cảm, kiên cường chiến đấu cũng đã ngã xuống trước ngày thư đến được với tay người nhận. Là y sỹ, trực tiếp cứu thương và chôn cất nhiều đồng đội hy sinh nên ông có rất nhiều thông tin liên quan đến các liệt sỹ hy sinh trên chính mảnh đất quê hương Phan Thiết – Bình Thuận. Chính vì vậy, khi chiến tranh vừa đi qua, ông cũng chính là người đề xuất với đơn vị đi tu bổ và xác định lại vị trí chôn cất của nhiều liệt sỹ.
Cùng chia ngọt sẻ bùi trong kháng chiến, ông Tuấn càng thấu hiểu rõ nghĩa tình chân thật giữa những người lính “Cụ Hồ” với nhau. Do vậy, sau khi nghỉ hưu vào năm 1982, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn kết hợp với địa hình, địa vật nơi chôn cất các liệt sỹ trong chiến tranh có nhiều thay đổi nhưng ông vẫn luôn một lòng với công tác tìm kiếm quy tập, hài cốt liệt sỹ. Từ Ban chính sách của Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh hoặc cơ quan Thành đội Phan Thiết cho đến thân nhân gia đình các liệt sỹ có đề nghị đi tìm kiếm, xác minh thông tin, vị trí… liên quan đến liệt sỹ là ông sẵn sàng lên đường. Trong đó, có những đợt tìm kiếm phải băng rừng lội suối, leo núi và phải đi từ 3 đến 4 ngày liền, ông vẫn luôn sẵn sàng. Hành trang của ông mang theo trong những lần đi tìm kiếm mộ liệt sỹ chỉ là những con cá khô do vợ chuẩn bị cùng ít bộ đồ tư trang cho bản thân. Giản dị đến mức nhiều người nhìn vào ông cảm thấy ông sống quá sơ sài, nhưng với ông việc tìm kiếm liệt sỹ lại được ông dốc hết mình, tận tâm của một người lính dành cho đồng đội của mình. Bà Nguyễn Thị Thu Ba – vợ ông, đồng thời là một bệnh binh cho chúng tôi biết: “Thời điểm sau chiến tranh cho đến khi ông ấy nghỉ hưu, dù cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng bản thân tôi vẫn luôn ủng hộ việc tìm kiếm liệt sỹ của chồng mình. Vì tôi nghĩ rằng, việc ông ấy làm cũng chỉ vì nghĩa tình đồng đội và hơn hết là trách nhiệm của những người đang sống. Nhiều lúc thấy ông ấy cứ làm những việc không công mà quên đi trách nhiệm với gia đình vợ con, làm bà cũng chạnh lòng nhưng bà cũng là một người lính may mắn được sống và trở về bên những người yêu thương nên bà cũng giúp ông chuẩn bị khi thì còn cá khô, khi thì ít muối vừng, khoai mỳ luộc để ông mang đi rừng tìm kiếm liệt sỹ”.
Và cũng chính từ sự tiếp sức của ngượi vợ, cũng là người đồng đội ấy đã giúp cho ông gắn với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ từ trước cho đến nay. Ngoài 155 mộ được chính ông cùng đơn vị tìm kiếm, quy tập vào năm 1979, đến nay ông đã cung cấp thông tin, phối hợp xác minh, cất bốc gần 200 mộ liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Riêng trong giai đoạn triển khai thực hiện Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ năm 2013 đến nay, ông đã trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được hơn 20 trường hợp về Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và về với quê hương gia đình thân nhân các liệt sỹ. Cụ thể như, tại bến cây Xanh – xã Hàm Thạnh 1 mộ, 2 mộ tại bừng Cò Ke – Tiến Thành, 2 mộ tại Bào Tràm – Hàm Thuận Nam, 1 mộ tại Phong Nẫm, 2 mộ tại Tiến Lợi, Khu Ba Hòn 1 mộ và 4 mộ tại xã Hàm Mỹ. Với tâm huyết, sự nỗ lực và nhiệt tình trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, những năm qua, ông Tuấn đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của các cấp ngành. Mới đây nhất là giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết và Ban thường vụ tỉnh ủy Bình Thuận biểu dương trong phong trào “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018 – 2020”; ông cũng chính là cá nhân duy nhất của Phan Thiết được Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).
Thấm nhuần lời dạy của Bác và phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Tuấn chỉ mong mình có thêm nhiều sức khỏa để tiếp tục tìm kiếm đồng đội, vì hiện nay trên cả nước nói chung và tại Phan Thiết – Bình Thuận nói riêng vẫn còn nhiều đồng đội hy sinh chưa được tìm về. Vì vậy, ông hy vọng với những thông tin và trí nhớ của mình, ông sẽ tiếp tục phối hợp tìm và đưa đồng đội trở về quê hương. Có như vậy, ông mới cảm thấy nhẹ lòng với nghĩa tình đồng đội, dù sức khỏe của ông hiện đang mang trên mình căn bệnh nan y.
Đền ơn đáp nghĩa là một chính sách lớn của dân tộc Việt Nam ta đối với người có công với cách mạng. Và với thương binh 4/4 Trần Minh Tuấn, chung tay góp sức cùng Đảng và Nhà nước thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đó là trách nhiệm của người ở lại, là nghĩa tình đồng đội của những người lính ‘Cụ Hồ”.