Đôi mắt tròn đen, điểm thêm cặp chân mày đều đặn ...đó là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị Tố Anh. Người phụ nữ đã ngoài 45 tuổi này, cho biết: “bản thân chị học nghề may từ năm 18 tuổi. Học nghề xong, chị may cho chủ một thời gian ngắn, sau đó mạnh dạn mở tiệm may cho đến nay. 27 năm tròn gắn bó với nghề thợ may, chị rất yêu quý công việc này vì mong muốn mang lại niềm vui cho mọi người khi vận được quần áo đẹp. Ban đầu, chị chỉ dám nhận may quần áo cho các phụ nữ ở trong khu phố nơi mình sinh sống. dần dần đường may sắc sảo, và có thêm nhiều kinh nghiệm nên “tiếng lành đồn xa”, nhiều người không những ở Đức Long, mà ở các phường, xã bạn như Đức Thắng, Phong Nẫm; thậm chí là Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc cũng tìm đến tiệm của chị. Mặc dù có nhiều bạn hàng tin tưởng, nhưng theo chị Anh - số tiền công có được từ nghề may này cũng không đáng là bao. Trung bình vào những tháng mùa (từ tháng 6 âm lịch đến cuối năm), chị kiếm được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng; những tháng còn lại thì rất ít, chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng. Như từ hôm tết nguyên đán đến nay, tháng nào nhiều lắm là hơn 1 triệu đồng, có tháng chỉ vài trăm ngàn đồng nên chị phải tranh thủ nhận gia công, sửa chữa thêm quần áo để kiếm thêm tiền sinh hoạt hàng ngày. “Cũng chính vì mấy tháng nay ít khách, cộng với lúc cao điểm khan hiếm hàng khẩu trang nên tôi đã nảy sinh ý định may khẩu trang giúp cho người nghèo, để cùng chung tay với chính quyền các cấp sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, chị Vũ Thị Tố Anh, chia sẻ:
Gần 1 tháng nay, hễ lúc nào rãnh, chị lại bỏ thời gian ra mua vải, cắt, uốn đường cong theo hình khẩu trang; nhưng theo chị cái khó khi may những chiếc khẩu trang bé xíu so với những bộ quần áo dài - đó chính là cắt uốn đường cong sao cho đẹp. Do công việc không chuyên nên trung bình một ngày, chị chỉ cắt trên dưới 100 cái, xong khâu cắt là đến vắt số và may thành phẩm chiếc khẩu trang xinh xắn. Từ hôm có ý tưởng này đến nay, chị Anh đã may hoàn thành hơn 2.000 cái khẩu trang với số tiền túi bỏ ra mua vải gần 5 triệu đồng (chưa tính tiền công và vắt sổ). Chị Anh, cho biết: “để cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, ai có gì góp nấy, là thợ may chị cũng góp bằng cách may khẩu trang”.
Số khẩu trang chị Anh may được, một số phân phát cho bà con trong khu phố; số nữa phát cho bà con tiểu thương buôn bán ở chợ Hàm Tiến, Phú Hài và đội Săn bắt cướp của Phan Thiết. Đáng nói là cả 2 vợ chồng chị Tố Anh thường xuyên sắp xếp công việc để đến chợ Hàm Liêm- Huyện Hàm Thuận Bắc trao tận tay tiểu thương và người đi chợ tại đây. Anh Đặng Duy Thế là chồng của chị Vũ Thị Tố Anh chia sẻ: “khi thấy vợ làm những việc có ích cho xã hội cũng cùng chung tay giúp vợ, khi thì vắt sổ, lúc lại xếp từng 2 cái vào một cái túi nilong nhỏ để bà con sử dụng cho tiện”.
Chị Nguyễn Thanh Tâm, phó chủ tịch Hội phụ nữ phường Đức Long, cho biết: “việc làm của chị Tố Anh rất ý nghĩa, nhân văn; đáng được ghi nhận, biểu dương”.
Dù hiện tại việc may vá vẫn còn khó khăn, và dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát; thế nhưng chị Vũ Thị Tú Anh, hội viên hội phụ nữ phường Đức Long cho biết vẫn tiếp tục duy trì việc may khẩu trang để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Với chị, được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của cả 2 vợ chồng.