Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là thắng lợi của nghệ thuật nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân đế quốc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông – Nam châu Á như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta”.
Những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng tháng Tám vĩ đại luôn tạo nên sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân ta bước tiếp những chặng đường mới, viết tiếp những trang sử oanh liệt mới. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, kéo dài 21 năm – dân tộc ta phải đương đầu với tên đế quốc số một của thế kỷ 20, mạnh hơn ta về kinh tế, quân sự hàng ngàn lần nhưng chúng đã thất bại thảm hại để thu giang sơn về một mối, đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử sau gần 30 năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đưa đất nước ta ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.
Khí thế Cách mạng tháng tám tạo sức mạnh cho cách mạng địa phương.
Sau khi Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, nhưng tình hình chiến sự từ Đông sang Tây đều bất lợi cho phát xít Đức, Nhật. Ở Việt Nam, Nhật đang vội vã dựng bù nhìn mới để làm chổ dựa chống phá phong trào cách mạng Việt Nam đang sôi động. Tại Bình Thuận các đồng chí tù chính trị gồm: Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc, Nguyễn Tương và Thái Hựu do đồng chí Kim phụ trách từ nhà lao Buôn Mê Thuột về Bình Thuận, năm đồng chí kể trên về làng Tuy Hòa, trú lại một ngày tại nhà chị Tư Quán – một cở sở cũ của ta – để bàn bạc và phân công phụ trách các nơi, chuẩn bị cho phương án hành động tới. Đồng chí Nguyễn Nhơn được phân công phụ trách thị xã Phan Thiết. Về Phan Thiết, đồng chí Nguyễn Nhơn đã dựa vào gia đình anh Phụ ở đường Paris (nay là đường Nguyễn Trường Tộ) vốn có quan hệ họ hàng để ở và mở hiệu vẽ ảnh truyền thần. Cũng tại đây đồng chí Nguyễn Nhơn liên lạc được với anh Minh một bạn học cũ và tổ chức thành cơ sở. Cơ sở phát triển khá nhanh, đồng chí Nguyễn Nhơn tổ chức thêm anh Nguyễn Diêu thư ký cho Tỉnh trưởng Huỳnh Dư đang làm việc tại tòa sứ cũ do Nhật chuyển giao cho Nam Triều và anh Hưởng. Lúc này, đồng chí Thái Hựu đã tổ chức được một số công nhân đường sắt ở ga Mương Mán và một vài cơ sở ở đồn điền, đồng chí Nguyễn Chúc đã cắm rễ và hoạt động bí mật trong lực lượng Bảo An, đồng chí Nguyễn Tương tổ chức được một cơ sở ở Mũi Né sau đó thành lập Ban Việt minh, ngoài ra còn có các cơ sở của 3 đồng chí cùng ở nhà lao Buôn Mê Thuột về Bình Thuận nữa là Nguyễn Đức Dương, Cổ Văn An và Đặng Soa, tuy chưa liên lạc được với nhóm 5 đồng chí trước nhưng cũng xây dựng cơ sở quần chúng để tích cực hoạt động.
Giữa đêm tháng 7/1945 truyền đơn và biểu ngữ xuất hiện hầu hết trong thị xã Phan Thiết, từ “Bia Đài” ở Đức Long đến rạp Mô-đét (sau này là rạp Măng Non và nay là nhà sách Phương Nam) qua cầu Quan (nay là cầu Lê Hồng Phong) lên sân vận động, từ các đường phố bên hữu ngạn sông Phan Thiết xuyên vào các khu dân cư, các con đường bao quanh khu tòa hành chính và trại lính chạy dọc xuống Thương Chánh...Nội dung truyền đơn, biểu ngữ nhằm hiệu triệu quần chúng:
- Đả đảo Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
- Tước vũ khí quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương.
- Dựng Chính phủ Nhân dân cách mạng Lâm thời.
- Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Trước cao trào cách mạng diễn biến nhanh chóng từ Bắc chí Nam, nội các Trần Trọng Kim phân hóa đến cao độ, ở Phan Thiết các đảng viên thấy việc hoạt động cách mạng, đòi hỏi phải khẩn trương và tăng cường công tác in ấn với số lượng nhiều hơn, đa dạng, phong phú hơn.
Các cơ sở của ta triển khai tổ chức quần chúng theo hệ thống ngành nghề như: thợ hớt tóc, thợ may, thợ thủ công, tiểu thương, công nhân nhà đèn, công nhân nhà ga, đường sắt..., hai tiểu đội tự vệ được tuyển trong các nhóm thanh niên và trong công nhân đường sắt được đưa về chiến khu ở Bình Lâm để học lớp quân sự cấp tốc; mặt khác, một số công chức chính quyền tỉnh, phủ Hàm Thuận nằm trong địa bàn thị xã và các công sở các ngành được tuyên truyền về Mặt trận Việt minh, họ hồ hởi nhận lãnh những phần việc được giao.
Đêm ngày 17/8/1945, trước dinh tỉnh trưởng và trại lính Bảo An xuất hiện 2 cờ đỏ sao vàng, trên cầu Phan Thiết và nhiều con đường khẩu hiệu, biểu ngữ được giăng giữa hai trụ đèn và gốc cây bên vệ đường càng làm khí thế cách mạng sôi sục và dâng cao. Trước khí thế cách mạng của nhân dân đang lên, đêm 21/8 Ủy ban lâm thời Việt minh tỉnh mở cuộc họp tại Lò Bún phường Đức Nghĩa, bàn phương án và kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền; đồng thời, đánh giá tình hình: sau khi Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện, các tổ chức thân Nhật dao động, phân hoá, các doanh trại lính Nhật nhốn nháo, thu xếp đồ đạc, đốt giấy tờ...còn chính quyền thì, Huỳnh Dư mới vừa được lên ghế Tỉnh trưởng lại hoang mang trước tin Bảo Đại thoái vị. Phương án được đưa ra, trước hết là thuyết phục Huỳnh Dư - Tỉnh trưởng - trao trả chính quyền cho cách mạng, nếu Huỳnh Dư tỏ ra ngoan cố, chống đối thì mới dùng đến sức mạnh của quần chúng và lực lượng vũ trang, sau đó chiếm đồn Bảo An. Tại đây, giương cờ lên làm tín hiệu để thông báo cho các cơ sở trong bộ máy chính quyền cũng như các đường phố nhất loạt treo cờ, giăng biểu ngữ biểu dương lực lượng nhằm giành lấy các công sở trong địa bàn Phan Thiết, sau đó sẽ tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Kế hoạch trên được các nhóm đảng viên thống nhất với chương trình hành động.
Đêm 22/8, một bộ phận tự vệ vũ trang được lệnh bắt nhóm Trúc Viên - nhóm hoạt động chính trị, có cơ hội là nhảy lên thay Huỳnh Dư, tỉnh trưởng Bình Thuận - và bao vay soát nhà một Hoa kiều làm “Bang trưởng”, tên nay bị quần chúng phát hiện có liên hệ với Quốc dân đảng và đang cất giấu vũ khí chờ thời cơ chống lại cách mạng.
Sáng ngày 23/8/1945, các đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc cùng anh Phạm Văn Trình và 2 tự vệ đến văn phòng Tỉnh trưởng Huỳnh Dư, lấy danh nghĩa là đại biểu mặt trận Việt minh tỉnh, đồng chí Nguyễn Nhơn nói gọn về phong trào cách mạng hiện nay của cả nước và giải thích chủ trương đối sách của Việt minh đối với những ai tán thành hoặc chống đối cách mạng. Đồng chí khuyên Dư là một trí thức nên thức thời về với cách mạng.
Trong tình thế này Huỳnh Dư đành phải chấp nhận việc bàn giao chính quyền và trao bản đồ hành chính tỉnh cho Ban lãnh đạo lâm thời Việt minh, việc này diễn ra hết sức khẩn trương và tuyệt mật vào sớm ngày 24/8/1945.
Chính quyền tỉnh đã về tay cách mạng, cờ quẻ ly được hạ xuống để thay thế bằng cờ đỏ sao vàng kéo lên giữa bao ánh mắt khăm phục, trìu mến, vui sướng đến ngẹn ngào. Tin khởi nghĩa thắng lợi, tin chuẩn bị cho cuộc biểu tình tuần hành ngày 25/8 truyền đi nhanh chóng, không những các làng vùng ven thị xã mà từ Khe Cả đến Hòn Rơm đều nhận được tin. Không khí chuẩn bị rất khẩn trương, khắp nơi mọi người đều hào hứng chuẩn bị đội ngũ, may thêu cờ, viết thêm biểu ngữ… Tờ mờ sáng rừng cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ đủ các màu được giương cao giữa biển người quần áo chỉnh tề, gương mặt rạng rỡ.
Trước tình hình sôi sục của quần chúng, bọn Nhật cũng chuẩn bị tìm mọi cách đối phó với ta. Qua 3 lần đại biểu Việt minh đến gặp bọn hiến binh Nhật, chúng dịu dần. Cuối cùng chúng nhượng bộ không đòi chiếm dinh Tỉnh trưởng và hứa không phá rối cuộc Mít-ting. Tại sân vận động, một biển người với khí thế tràn ngập niềm phấn khởi qua thắng lợi bước đầu của cuộc đấu tranh. Tất cả im phăng phắc đợi Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa ra mắt đồng bào. Đồng chí Nguyễn Tương thay mặt Việt minh tỉnh phát biểu ý kiến, đồng chí nêu rõ ý nghĩa thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng. Tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu vang lên. Sôi nổi nhất là việc phán đoán vị Chủ tịch nước là ai? Tại sao vị lãnh tụ Hồ Chí Minh từ trước đến nay ở Phan Thiết chưa mấy ai nghe tên, biết tiếng? Những người lâu nay vẫn tự hào là nhạy bén thời sự nhất cũng đâm ra luống cuống! Đứng trước bức thư “Kính cáo đồng bào” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc in chữ to đậm nét dán ở các nơi công cộng, một vài người lưu ý reo lên “Có phải Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh không?”, nhưng chẳng một ai dám quyết đoán. Cho đến khi có người được xem một vài tờ báo xuất bản ở Sài Gòn tiết lộ Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc rồi loan dần tin ấy ra, mọi người đều hoan hỉ. Đây là vị lãnh tụ Việt Nam xuất sắc nhất mà ở Phan Thiết nhiều người đã được nghe tên, biết tiếng từ lâu...
Phan Thiết tưng bừng sự kiện 2/9 lịch sử.
Giữa không khí náo nức đó, tin chuẩn bị chào đón lễ Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9 lại truyền lan nhanh chóng trên khắp phố phường, làng mạc. Cán bộ Việt minh và các cơ sở cách mạng làm nòng cốt vận động đông đảo quần chúng tham gia buổi Lễ long trọng nhất trong lịch sử cách mạng. Đồng bào thị xã, những ai trước đây đã được trực tiếp chứng kiến những tấm gương dũng cảm vì Tổ quốc, vì giai cấp của đồng chí Hồ Quang Cảnh, Trần Hữu Dực và các chiến sĩ cộng sản khác trước cảnh lao tù, tra tấn càng tin tưởng vào cách mạng nhiều hơn. Yếu tố tinh thần đó đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng công việc chuẩn bị.
Ngày 2/9 lịch sử, tại sân vận động Phan Thiết, một lễ đài được trang hoàng lộng lẫy. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh như có cái nhìn bao quát gần hết quảng trường. Từ các đường phố, làng mạc dòng người nối tiếp đổ vào sân như nước lũ. Cứ sau một người cầm lá cờ lớn là đến lượt hai người giương cao tên đoàn thể, tên phường xã rồi nối tiếp nhau là hàng nghìn cờ sao, biểu ngữ. Tiếng hô khẩu hiệu từ đoàn đi đầu cứ vọng mãi, vọng mãi đến các đoàn sau như không có thời gian ngắt quảng. Nổi bật nhất và cũng đông đảo nhất vẫn là tầng lớp nhân dân và nam, nữ thanh niên. Tuy chỉ trang bị bằng vũ khí thô sơ, gây gộc, súng gỗ, dao găm nhưng với ý thức tổ chức cao, hàng ngũ của họ đã diễu hành với khí thế hừng hực của một dân tộc đang trổi dậy. Đặc biệt, mọi người chăm chú theo dõi từng lời, ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập. Lần đầu tiên một khối lượng lớn người tham dự mít-ting gồm nhiều thế hệ vừa tự hào vừa bồi hồi xúc động, không ít người đã rơm rớm nước mắt khi nghe đến các từ : Tự do, Độc lập và Việt Nam dân chủ cộng hòa...
Buổi lễ kết thúc bằng một cuộc tuần hành thị uy lớn qua các đường phố chính trong thị xã, lớp lớp người người tràn ra khỏi sân vận động xen kẽ là những xe hoa nhiều kiểu, nhiều màu sắc rực rỡ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được vẽ lớn với những lá cờ đỏ sao vàng giương cao. Đêm ấy, điện đường phố như rực sáng hơn mọi hôm, nhà nhà rộng cửa đón khách. Mọi người nhắc nhở, bàn tán câu chuyện về Độc lập, Tự do, về đấu tranh cách mạng, về tương lai của đất nước. Các tụ điểm của nam, nữ thanh niên hầu hết trở thành nơi thi thố nhau đơn ca những bài hát cách mạng. Thỉnh thoảng lại vang rộ một khúc đồng ca cùng những tràng pháo tay rộn rã...
Cách mạng tháng tám thành công, chế độ dân chủ nhân dân được thiết lập. Từ địa vị nô lệ, mất nước, nhân dân Phan Thiết cùng với đồng bào trong tỉnh và cả nước đập tan xiềng xích thực dân, phát xít giành lại quê hương, đất nước, làm chủ cuộc đời, không khí hồ hỡi tràn ngập thị xã.
Lò bún nơi họp thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa 8/1945 nay là số nhà 37/07 Nguyễn Văn Cừ,
p. Đức Nghĩa, Phan Thiết.
Thời gian đã lùi xa, nhưng hào khí của Cách mạng tháng Tám và sự kiện lịch sử 2/9 đang động viên, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Phan Thiết kiên trì, vững bước trên con đường mà Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, làm đúng theo Di chúc của Người để củng cố và giữ vững niềm tin trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.