Đến nay (năm 2015), khu phố A – phường Thanh Hải luôn giữ vững được danh hiệu “Khu phố văn hoá” 14 năm liền (2001-2014). Đạt được kết quả đó, có thể nói: Việc triển khai cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ở địa bàn có đông đồng bào giáo dân sinh sống của phường Thanh Hải (là địa phương có đông giáo dân nhất thành phố Phan Thiết) ngay từ những năm đầu luôn gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm, kiên trì và lòng nhiệt tình của cán bộ khu phố, các hội đoàn thể; đặc biệt là biết tranh thủ sự đồng thuận của các vị chức sắc trong ban điều hành hai giáo họ lớn, cùng các cá nhân tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng dân cư để cùng đồng lòng từng bước xây dựng khu phố đạt được danh hiệu văn hoá và duy trì, giữ vững cho được danh hiệu đó. Để giữ vững được danh hiệu “Khu phố văn hoá”, nhân dân và cán bộ khu phố A luôn đồng lòng hưởng ứng và thực hiện khá tốt các nhiệm vụ của địa phương triển khai như: thu thuế, vận động các loại quỹ, đặc biệt là vận động 100% vốn dân để đầu tư bê tông hoá đường xá, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng trong các khu dân cư bên trong được nhân dân thống nhất cao, có nhiều công trình trị giá hàng trăm triệu đồng. Tình hình an ninh trật tự xã hội của khu phố luôn được giữ vững, huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường luôn đạt chỉ tiêu 100%; hàng năm xét gia đình văn hoá luôn đạt 90% gia đình được công nhận trở lên...
Tại hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2014 của thành phố Phan Thiết; Ban công tác Mặt trận khu phố A, phường Thanh Hải đã trao đổi trên diễn đàn hội nghị về những bài học kinh nghiệm để giữ vững danh hiệu “Khu phố văn hoá” 14 năm liền của địa phương mình như sau:
Một là: Phải biết chú trọng xây dựng cán bộ nòng cốt ở khu phố, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo. Để thông qua đó thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đồng thuận chủ trương chung, góp phần xây dựng địa bàn dân cư ngày càng bình yên, khá giả hơn; đặc biệt là phải biết phối hợp chặc chẽ giữa đạo và đời, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp để vận động mọi tầng lớp nhân dân trong khu phố thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ kinh tế – xã hội do phường giao.
Hai là: Phải phát huy đúng mức tinh thần dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Để phát huy tinh thần đó trong nhân dân thì cán bộ, đảng viên và các đoàn thể của khu phố là những người phải tiên phong đi đầu, sau đó mới làm gương đi vận động nhân dân.
Ba là: Phải quan tâm đúng mức các gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình gặp khó khăn để thể hiện việc làm của chính quyền với thực tế đời sống của cộng đồng, từ đó mới thúc đẩy được sự quan tâm và tham gia của cộng đồng vào việc chung của địa phương.
Bốn là: Phải đưa các nội dung, tiêu chí của việc xây dựng khu phố văn hoá đi vào chiều sâu của việc thực hiện và đảm bảo mang tính bền vững thông qua việc thường xuyên triển khai, chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ trong bộ máy của khu phố; đồng thời phải kịp thời biểu dương, động viên những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong khu phố để làm động lực trong quá trình vận động các chủ trương chung của địa phương.
Có thể nói, một khu phố có đông đồng bào giáo dân như Khu phố A, phường Thanh Hải luôn phấn đấu và giữ vững được danh hiệu “Khu phố văn hoá” 14 năm liền là một điểm sáng để các khu phố khác trên địa bàn thành phố Phan Thiết học tập kinh nghiệm nhằm áp dụng trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở địa bàn dân cư do Mặt trận Tổ quốc phát động trong giai đoạn mới./.