Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện, là quân đội kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sỹ trong quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây đắp nên truyền thống vẻ vang và phẩm chất cao đẹp, giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ”.
“Bộ đội Cụ Hồ” - một tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân đã dành cho quân đội ta, là hình tượng cao đẹp, tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của cán bộ, chiến sĩ quân đội, cũng như con người Việt Nam trong thời đại mới.
Văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” là sự hòa quyện giữa dân tộc và giai cấp, truyền thống và hiện đại; là sự phát triển bản sắc, tâm hồn, cốt cách văn hóa Việt Nam; đồng thời là giá trị văn hóa tiêu biểu của cán bộ, chiến sỹ quân đội, biểu trưng văn hóa độc đáo của quân đội cách mạng.
Giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, là niềm vinh dự, tự hào, là động lực mạnh mẽ, thôi thúc cán bộ, chiến sỹ quân đội không sợ hiểm nguy, hy sinh, gian khổ, phấn đấu, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. “Bộ đội Cụ Hồ” là một thành công của Đảng ta trong việc xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng con người trong lực lượng vũ trang. Con người đó dù bị thương gãy nát cánh tay, nhờ đồng đội chặt đứt để khỏi vướng, dùng tay còn lại ôm bộc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch như anh hùng La Văn Cầu. Con người đó sẵn sàng lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên tiêu diệt kẻ thù như anh hùng Phan Đình Giót. Con người đó sẵn sàng lấy thân mình chèn pháo như anh hùng Tô Vĩnh Diện. Con người đó dù bị thương nhưng vẫn động viên, hô vang đồng đội “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” – anh hùng Nguyễn Viết Xuân…và còn nhiều, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, các thế hệ nối tiếp nhau xây dựng, vun đắp nên giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ”.
Giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” thẩm thấu vào mọi cán bộ, chiến sỹ, dù còn đang công tác, hay đã về hưu, xuất ngũ, Mỗi khi mang lên mình bộ quân phục, dù ở trong đơn vị hay ở nơi công cộng, đều thể hiện phẩm chất của người quân nhân cách mạng. Cũng vì thế mà hiện nay, rất nhiều gia đình động viên con em mình xung phong nhập ngũ; rất nhiều gia đình trong thời gian nghỉ hè gửi con em mình vào các lớp “học kỳ quân đội”; rất nhiều các trường học tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế ở các đơn vị quân đội…để tiếp thu những giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hiện nay, nước ta ngày càng hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, sự giao lưu, giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần của toàn xã hội. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, song còn có nhiều khó khăn thách thức tác động đến nhận thức, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống quân nhân. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình", thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” quân đội, xuyên tạc giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.
Làm sao để giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng, phát huy được giá trị bản sắc, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội hiện nay cần nhận thức, hiểu sâu sắc những giá trị tinh hoa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; gắn bó máu thịt với nhân dân; yêu thương đồng chí, đồng đội, đạo đức cách mạng trong sáng; tích cực huấn luyện, học tập; đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sỹ và của Nhân dân. Điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ trong quân đội phải kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; tích cực, tự giác học tập nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác. Cán bộ phải làm gương cho chiến sỹ, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, đồng đội thương yêu, giúp đỡ nhau; xây dựng nội bộ đoàn kết, đoàn kết quân – dân; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh. Mỗi quân nhân phải rèn luyện ý chí phấn đấu bền bỉ, cầu tiến bộ, trọng danh dự cá nhân; không bị “nhiễm” với những tác động tiêu cực, văn hóa phẩm không lành mạnh trong đời sống xã hội làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”; đấu tranh kiên quyết với biểu hiện coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ, gieo rắc tư tưởng, lối sống thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.
Văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” là kết tinh những giá trị văn hóa cao đẹp từ bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa của quân đội được các thế hệ cán bộ, chiến sỹ kế thừa, phát huy trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành. 80 năm qua, bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội, các giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” tiếp tục được các thế hệ cán bộ, chiến sỹ kế thừa, phát huy, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.