Bộ luật hình sự hiện hành được Quốc hội khóa 10 thông qua ngày 21/12/1999 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật hình sự Việt Nam. Đến nay, Bộ luật đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, tình hình đất nước ngày càng có những thay đổi lớn về mọi mặt, làm cho Bộ luật hình sự hiện hành trở nên bất cập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi) phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau thời điểm Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua. Đồng thời cũng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với Bộ luật hình sự hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 6 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều. Để có cơ sở đóng góp cho Bộ luật thêm hoàn thiện, ông Đặng Đình Hiếu- Phó chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu các đại biểu tham dự nghiêm túc đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật.
Hội nghị tập trung lấy ý kiến của các đại biểu về các vấn đề trọng tâm, như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; về hình phạt trục xuất; Việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều điểm mới, mà trọng tâm là bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp tục thể chế hóa chính sách hình sự trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với những thay đổi trong dự thảo. Tuy nhiên, 1 số điều còn có 2 luồng ý kiến, một là đồng ý theo đề xuất của dự thảo, hai là đề xuất giữ nguyên hình phạt của Luật hiện hành để có giá trị răn đe, phòng ngừa tội phạm.