Đã thành thông lệ, cứ vào dịp rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, anh Phạm Văn Thạnh – ở phường Đức Thắng – TP.Phan Thiết, lại được thể hiện niềm đam mê nghệ thuật, khi cùng với những người công nhân của mình làm nên những chiếc lồng đèn lớn tham gia “lễ hội rước đèn và hội thi cộ đèn” trung thu của TP.Phan Thiết. Liên tục trong hơn 10 mùa tết trung thu qua, hàng chục chiếc lồng đèn lớn đã được anh và những người thợ hoàn thành, hòa vào đêm hội trăng rằm hằng năm của phố biển Phan Thiết. Riêng trong mùa lễ hội trung thu năm nay anh hợp đồng làm lồng đèn lớn cho 5 đơn vị, địa phương trong toàn TP. Với anh Thạnh, ngoài đam mê nghệ thuật thì việc tham gia làm lồng đèn lớn còn là một niềm vui của một người con xứ biển Phan Thiết góp sức cho thiếu nhi địa phương trong đêm hội trăng rằm.
Cũng giống như anh Phạm Văn Thạnh ở phường Đức Thắng, anh Huỳnh Viết Toàn – công ty Điện tử Viễn thông “Ánh Sáng Việt” ở địa chỉ 87 đường Tôn Đức Thắng, cũng rất háo hức khi được tham gia làm lồng đèn trung thu. Tuy mới chỉ lần đầu tham gia nhận hợp đồng làm lồng đèn lớn, Anh Toàn và những người thợ cũng rất phấn khích khi sản phẩm lồng đèn lớn với chủ đề từ biển đang hoàn thiện ở những khâu cuối cùng.
Qua tìm hiểu, PV.Đài chúng tôi được biết: Để hoàn thành một lồng đèn trung thu thành phẩm, phải trải qua nhiều công đoạn. Công việc đầu tiên là thống nhất chọn mẫu hay còn gọi là lên ma két hoàn chỉnh, rồi tiếp đến là hình thành khung sườn theo mô hình rồi sau đó là dán vải và phụ kiện, cuối cùng là trang trí và thử đèn. Bên cạnh đó, trong mỗi khâu, mỗi công đoạn đều có những công việc phụ trợ khác để cho ra một sản phẩm lồng đèn hoàn chỉnh. Bởi, sau khi đã hoàn thành một bộ khung lồng đèn thô, công đoạn tiếp theo là lựa chọn màu vải phù hợp với ý tưởng mô hình lồng đèn trung thu đã chọn. Nhằm mô phỏng, tái hiện một nhân vật, một chủ đề, một sự kiện lịch sử giống y như thật, đòi hỏi người làm lồng đèn phải có tư duy bố cục một cách chặt chẽ, sự phối màu và ánh sáng nhằm đảm bảo yếu tố “tả thực”.
Như vậy, từ những thanh sắt, cọng kẽm hay những tấm vải thô ráp và cả những mảng đề can khô cứng, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những người thợ thủ công, nó đã trở thành sản phẩm độc đáo mang tính nghệ thuật. Trong đó, yếu tố được xem là quan trọng nhất của việc làm lồng đèn khác với việc thiết kế các mô hình khác, đó là “hiệu ứng ánh sáng”. Lồng đèn không chỉ đẹp vào ban ngày mà nó còn phải lung linh, huyền ảo vào ban đêm. Chính vì vậy, sự phối hợp màu sắc và hiệu ứng ánh sáng sao cho hợp lý, là điều kiện tiên quyết để đạt được một tác phẩm lồng đèn trung thu hoàn chỉnh, hài hoà và đẹp mắt. Và đối với những người tham gia làm lồng đèn trung thu, ngoài năng khiếu hội họa đòi hỏi họ còn phải có tính kiên trì, tỉ mỉ trong từng công đoạn làm lồng đèn.
Theo tìm hiểu của PV. Đài chúng tôi: Hiện tại, trên địa bàn TP.Phan Thiết có rất nhiều cơ sở nhận làm lồng đèn lớn cho các đơn vị trường học, tham gia “lễ hội rước đèn và hội thi cộ đèn” cấp thành phố. Bởi theo quy định của Ban tổ chức, các lồng đèn con do các địa phương phối hợp với các trường học tự làm, riêng lồng đèn lớn có thể thuê dịch vụ bên ngoài làm. Do vậy, để luôn làm mới những sản phẩm lồng đèn tham gia lễ hội, các địa phương cũng như các trường học và cả các cơ sở nhận làm lồng đèn lớn luôn không ngừng tìm tòi, suy nghĩ những ý tưởng mới lạ và đặc biệt là năm sau không trùng với năm trước. Chính điều này, đã và đang tạo nên bức tranh đêm hội trăng rằm của phố biển Phan Thiết thêm lung linh, huyền ảo và đẹp trong mắt trẻ thơ, du khách và người dân địa phương.
Và lễ hội rước đèn và hội thi cộ đèn trung thu năm 2018 của TP.phan Thiết, sẽ chính thức diễn ra vào lúc 18 giờ ngày 21 tháng 9, nhằm ngày 12 tháng 8 âm lịch, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Lễ hội sẽ có sự tham gia của 30 mô hình lồng đèn lớn và hơn 3.000 lồng đèn con.