Trong ngôi nhà tình nghĩa ấm cúng được nhà nước và các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng, 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công của 2 con là liệt sĩ Lê Văn Sơn, liệt sĩ Lê Văn Điện, cùng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng năm 2014 đặt ngay ngắn, trang nghiêm. Với truyền thống gia đình cách mạng, Mẹ luôn dạy dỗ và căn dặn con cháu sống và làm việc để xứng đáng với danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu” được trao tặng hàng năm. Trong số đó, Mẹ đã có 3 người cháu trở thành công an nhân dân. Bà Đoàn Thị Minh Thành – con dâu cũng là người phụng dưỡng mẹ Sử cho biết: “Mẹ luôn dạy con cháu tuân thủ pháp luật, nhất là các cháu làm công an, không được nghe lời kẻ xấu mà làm ảnh hưởng đến Nhà nước và nhân dân”.
Ông Nguyễn Mến – Trưởng khu phố B, phường Thanh Hải cũng chia sẻ “gia đình mẹ Sử sống hòa đồng với hàng xóm, nhất là mẹ Sử tuy tuổi đã lớn nhưng vẫn thường xuyên lui tới các nhà xung quanh trò chuyện và rất vui tính”.
Giờ đây, ở tuổi 96, sau những mất mát, đau thương, nhưng trong mắt mẹ vẫn rạng ngời niềm hạnh phúc trước sự chăm lo của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, các cấp, các ngành tại địa phương đều dành cho mẹ sự yêu thương đặc biệt. Không chỉ được nhận phụng dưỡng suốt đời, vào các dịp lễ, Tết, mẹ đều được các cơ quan chức năng đến thăm hỏi, động viên. Gần đây nhất là vào dịp tết nguyên đán 2018, phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến tận nhà thăm hỏi, chúc tết để mẹ cảm thấy ấm lòng hơn. Nhân dịp kỉ niệm 71 năm Ngày thương binh Liệt sĩ, những ngày gần đây, đã có rất nhiều đoàn của tỉnh, thành phố, phường và cả khu phố đến thăm mẹ. Và sắp đến 1 đơn vị cũng theo thông lệ hàng năm sẽ đến khám bệnh và phát thuốc cho Mẹ. Sự quan tâm này khiến mẹ vơi bớt nỗi đau khi thiếu vắng người thân.
Ở Việt Nam có hàng hàng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng - Danh hiệu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dành tặng để ghi nhớ, tri ân và tôn vinh các Mẹ. Riêng tại thành phố Phan Thiết tính đến nay có hơn 300 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu này. Nhưng hiện chỉ có 12 Mẹ còn sống. Dẫu biết rằng sự hy sinh của các Mẹ không gì bù đắp được nhưng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, các tổ chức đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công với đất nước. Đó cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với những hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ và những người Mẹ Việt Nam anh hùng.