Đang rà lại danh sách những đồng chí, đồng đội trong đội công tác và bộ đội địa phương thuộc C1, C2 Đơn vị 481 Thị đội Phan Thiết trước đây để nắm lại danh sách chuẩn bị cho ngày gặp vào chiều 19/4/2022 tại nhà của một chiến sỹ du kích ở thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm, bà Nguyễn Thị Kim Vân – sinh năm 1949 – nguyên đội trưởng Đội công tác xã Hàm Tiến – nay là xã Phong Nẫm không khỏi xúc động và tự hào khi nhắc tới từng anh em đồng chí, đồng đội của mình. “Bởi, giờ đây - sau 47 năm giải phóng Phan Thiết, Bình Thuận, những đồng đội nay người còn, người mất, số khác lại sức khỏe yếu, bệnh tật càng làm cho hồi ức về những năm tháng khổng thể nào quên của tuổi trẻ - cùng sống, chiến đấu trên mảnh đất này. Chính vì vậy, với những người làm trong Ban liên lạc Đội công tác mong muốn ngày kỉ niệm giải phóng cũng là dịp để anh em thăm hỏi, giao lưu gặp gỡ qua đó động viên nhau”- Bà Nguyễn Thị Kim Vân, nói. Cùng chung suy nghĩ này, bà Võ Thị Liên – sinh năm 1943 – nguyên Phó bí thư huyện đoàn Hàm Thuận giai đoạn 1963 – 1968, cho biết: “Những người như bà hay bà Vân tìm về với nhau trong những ngày tháng tư này như một lẽ tự nhiên. Bởi ở đó họ đã cống hiến tuổi xuân của mình cho nền độc lập tự do cho quê hương, cho dân tộc. Do vậy, giờ đây gặp lại nhau không chỉ là dịp để họ cùng sẻ chia, ôn lại truyền thống mà còn là lòng tri ân những đồng đội đã ngã xuống”. Hồi tưởng về thời khắc thiêng liêng khi quê hương được giải phóng những con người theo cách mà họ vẫn thường nói với nhau khi gặp gỡ là bị “đạn chê” ấy vẫn không thể nào quên chiến trường xưa. Để rồi mỗi khi có dịp họ lại tụ hội về thăm lại hoặc luôn hướng nhìn về nơi đã gắn bó với nhiều cảm xúc trong thời gian làm cách mạng. Trong đó, đối với bà Võ Thị Liên hay bà Nguyễn Thị Kim Vân những cái tên núi Kính, Núi Bành hay Tà Zon, Đại Thành thuộc khu tam giác – nơi mà bộ đội địa phương bám trụ trong kháng chiến Chống Mỹ càng làm cho hồi ức về ngày giải phóng trong bà dâng trào hơn.
Trong mạch nguồn cảm xúc nhớ lại những năm tháng chiến đấu cách đây 47 năm, những cựu chiến binh như bà Vân hay bà Liên vẫn luôn hiện hữu cảm xúc tự hào và vui mừng khi chứng kiến hình ảnh quê hương đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Bởi, vào thời khắc ngay sau giải phóng, Bà Liên cũng như Bà Vân cùng nhiều lực lượng khác được lệnh về tiếp quản Phan Thiết và nhận nhiệm vụ mới. Trên đường di chuyển về trung tâm Thị xã, hình ảnh để lại trong tâm trí họ không chỉ là niềm vui của người dân Phan Thiết khi quê hương được giải phóng mà còn là sự sợ hãi, co rúm, tránh né của bọn ngụy quân ngụy quyền trên đường chạy trốn. Phan Thiết lúc bấy giờ là sự hoang tàn sau chiến tranh. Do vậy, chứng kiến sự đổi thay của phố biển Phan Thiết hôm nay càng làm cho họ thêm tự hào, tin tưởng và kỳ vọng.
Giờ đây, đối với những con người đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương đất nước, chứng kiến được sự phát triển của quê hương, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện, càng tạo thêm động lực và niềm tin thôi thúc họ tiếp tục sống tích cực, gắn bó với các phong trào của địa phương và làm gương để động viên con cháu noi theo.