Tại buổi Lễ, đồng chí Đỗ Ngọc Điệp – Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết thay mặt lãnh đạo thành phố đã ân cần thăm hỏi sức khoẻ thân nhân gia đình các Mẹ và đã phát biểu: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những mất mát, đau thương vẫn còn đó! bởi mất mát lớn nhất là mất mát về con người; đau thương lớn nhất là nỗi đau xé lòng của người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Mẹ vẫn đau đáu nỗi buồn khôn cạn, với những kỷ niệm không phai, với những hình ảnh không mờ về những người thân yêu nhất. Nhưng các Mẹ không những đã quả cảm vượt lên những thử thách, mất mát, đau thương, mà còn trở thành chỗ dựa vững chắc của cả gia đình, giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường. Không chỉ làm tròn thiên chức cao quý của người vợ, người mẹ đảm đang, chung thuỷ; các Mẹ còn tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đặc biệt, các Mẹ không coi mình là đối tượng chính sách phải được quan tâm, đãi ngộ, các Mẹ còn chung sức cùng gánh vác trách nhiệm to lớn, nặng nề với toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong buổi Lễ truy tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” long trọng hôm nay, các Mẹ không còn nữa những những cống hiến thầm lặng đó của các Mẹ đã làm rạng rỡ hơn truyền thống vẻ vang, phẩm giá sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam, góp phần tô đẹp non sông gấm vóc, quê hương ta .
Chúng ta, những người đang được hưởng cuộc sống độc lập, tự do, hôm nay, cần luôn tự hỏi mình phải làm gì? làm thế nào? để cùng nhau góp phần xoa dịu những đau thương mất mát đó, làm gì để thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” để giúp các gia đình liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, người có công vượt qua đau thương, vươn lên trong cuộc sống, để các Mẹ còn sống, được sống vui hơn, sống khỏe hơn, sống thọ hơn, để được thấy quê hương, đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt, vì thế Tôi đề nghị: trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt chính sách với người có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để thành phố ta không còn một gia đình có công cách mạng phải chịu cảnh nghèo, nhà tạm bợ, nhà dột nát, có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc và tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của các “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, anh hùng liệt sỹ, thương binh và các gia đình có công với cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã qua đi, nhiều gia đình, nhiều người vợ, nhiều bà mẹ đã cống hiến những người thân, người con yêu quý của mình cho Tổ quốc. Sự cống hiến của các Mẹ là vô cùng cao quý, là đỉnh cao của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là tài sản tinh thần vô giá và trường tồn của dân tộc Việt Nam. Trên địa bàn thành phố hiện có 284 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; nay tiếp tục truy tặng 13 mẹ nâng số lượng lên 297 mẹ (hiện còn sống 18 mẹ)./.