Thực tế cho thấy các hoạt động khởi sự kinh doanh của nữ giới vẫn gặp không ít khó khăn trong những bước đầu chập chững vào con đường khởi nghiệp. Thấu hiểu được những khó khăn ấy cũng như mong muốn tạo điều kiện hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, Hội Liên hiệp phụ nữ Phan Thiết lần đầu tiên tổ chức sân chơi Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2019.
Hội thi có sự tham gia của 9 thí sinh - được chọn lựa từ 40 ý tưởng đã đăng ký trước đó. Tại vòng chung khảo, các thí sinh đã trình bày phương án kinh doanh, thể hiện được tính sáng tạo, khả thi, đưa ra mục tiêu kinh doanh, đối tượng khách hàng, cùng những khó khăn mong được tư vấn...
Tham gia thuyết trình đầu tiên, chị Phạm Thị Ngọc Trâm đến từ xã Tiến Lợi đã rất lưu loát trình bày dự án trồng cà chua theo phương pháp an toàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho nhân dân. Cũng như hầu hết các dự án khác, chị Trâm gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Vì đa số hội viên phụ nữ làm nội trợ ở gia đình, không có nhiều mối quan hệ để quảng bá sản phẩm mình làm ra. So với giá thị trường dao động từ vài ngàn đến 30 ngàn đồng/mỗi ký tùy thời điểm thì cà chua sạch của chị Trâm bán 1 giá duy nhất là 20 ngàn đồng/mỗi ký.
Nhằm giải quyết được thời gian “thừa”, thay vì cứ lướt web, chơi game mà lại kiếm thêm thu nhập và giảm “stress”, chị Lê Thị Thu Hải – chủ tịch Hội phụ nữ xã Thiện Nghiệp là thí sinh cuối cùng trình bày dự án, mong muốn thành lập 1 nhóm tập hợp các chị em đang thêu tranh chữ thập và đính đá để mở rộng quy mô hơn.
Theo đánh giá của ban giám khảo, các ý tưởng kinh doanh ở hội thi lần này cơ bản đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế theo định hướng về các sản phẩm, thế mạnh của địa phương. Kết quả, ban tổ chức đã trao giải nhất cho chị Phan Thị Thanh Sơn với sản phẩm đan móc bằng len và sợi.
Bên lề hội thi, thì 6 gian hàng trưng bày sản phẩm của các hội viên phụ nữ 18 phường/xã cũng thu hút sự chú ý của mọi người. Vì mỗi gian hàng đều rất bắt mắt, trang trí đẹp với các mặt hàng phong phú, từ thực phẩm như: rau sạch Tiến Lợi, con dông và trái dừa Thiện Nghiệp, thanh long ruột đỏ Tiến Thành, nước mắm Mũi Né... đến các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch như: tranh thêu, giỏ len...
Qua hội thi này có thể thấy đây là sân chơi bổ ích và môi trường thuận lợi để các ý tưởng khởi nghiệp được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; Đồng thời, truyền cảm hứng và giúp các hội viên phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.