Qua 04 năm thực hiện đề án 938, các cấp, ngành của Phan Thiết đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện Đề án và lòng ghép vào triển khai các hoạt động cụ thể của đơn vị, bám sát nội dung Đề án. 04 năm qua, thành phố có hơn 37 ngàn lượt hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình, sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực. Có 65% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội. 08/08 vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra trên địa bàn được Hội phụ nữ các cấp của thành phố kịp thời có ý kiến. Đến nay, 18/18 cơ sở Hội phụ nữ phường, xã đều có ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội quan tâm đang được duy trì và nhân rộng…
Đối với Đề án 939, 04 năm qua, thông qua chương trình ủy thác, các nguồn vốn vay đã tư vấn, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn để có vốn vào đầu tư sản xuất. Các cấp Hội từ thành phố đến phường, xã đã có nhiều giải pháp, hình thức giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn vốn Ngân hàng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với tổng dư nợ Hội đang quản lý 121 tổ với 04 ngàn 629 hộ vay/132,5 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn đã giúp hội viên, phụ nữ có vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với các ngành liên quan… mở 58 lớp với gần 01 ngàn 400 chị được tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; nghề may, pha chế, nấu ăn, ngoại ngữ, lễ tân…; Ngoài ra, qua triển khai Đề án 939 đã giúp cho 78 chị khởi, khởi sự kinh doanh, như: sản xuất và kinh doanh sản phẩm Đông trùng hạ thảo, trồng rau sạch, may quần áo, buôn bán hải sản, mỹ phẩm, thêu tranh, chăn nuôi… với tổng số vốn gần 03 tỷ đồng. Trong 04 năm triển khai Đề án, các cấp Hội phụ nữ của Phan Thiết đã giới thiệu 150 gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, qua đó có 76 gương được biểu dương, khen thưởng.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Nam Long- Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, đề nghị: cơ quan thường trực 02 đề án 938 và 939 tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tham mưu để triển khai Đề án trong thời gian tới; lãnh đạo UBND các phường, xã cụ thể hoá các nhiệm vụ của 02 Đề án gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương; các cơ quan là thành viên Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục phối hợp để thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Đề án đã đề ra trong giai đoạn tiếp theo. Đối với Hội viên phụ nữ Phan Thiết, Phó Chủ tịch UBND thành phố mong muốn các chị sẽ luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo và có nhiều đổi mới trong thực hiện 02 Đề án tại cơ sở góp phần cùng với Cấp ủy, Chính quyền địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao để khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Dịp này, UBND TP. Phan Thiết và Hội LHPN thành phố đã khen thưởng cho 08 tập thể và 19 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án 938 và 938 giai đoạn 2018- 2022.