Ghé thăm vườn nhà chị Trần Thị Thu Hồng tại thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm vào sáng ngày 21/4/2022 khi chị đang tất bật với công việc thường ngày đó là cắt cỏ, hái rau, cho gà ăn và chăm nom vườn cây trái của mình. Trên diện tích vườn nhà hơn 5000 m2, chị Hồng cho biết, trước đây gia đình chị trồng thanh long nhưng với mong muốn đa dạng hóa cây trồng vật nuôi để thỏa ý tưởng mong ước muốn có một mảnh vườn hướng đến hoạt động sinh thái cộng đồng trong tương lai, chị Hồng đã bàn và được gia đình ủng hộ khi phá bỏ dần diện tích trồng thanh long để trồng các loại cây ăn trái như: Xoài, Mít thái, đồng thời hình thành dần mô hình vườn ao chuồng (VAC). Bắt tay vào gầy dựng mô hình, những năm đầu khi các loại cây ăn trái còn nhỏ, chưa phát triển mạnh, chị Hồng quyết định trồng xen canh các loại rau xanh ngắn ngày để phục vụ thị trường và làm thức ăn cho gia cầm. Khi cây ăn quả đã dần cho thu hoạch chị quyết định đào các mương dẫn nước xen giữa vườn cây để vừa tạo độ ẩm giúp cây ăn phát triển, vừa để phục vụ cho hoạt động nuôi các loại cá ăn tạp như cá trê, cá diêu hồng. Hiện tại, mô hình “VAC” của Chị Hồng đã hình thành được gần 300 con gà lớn nhỏ, 60 gốc Mít thái và 70 gốc xoài đang cho thu hoạch; đồng thời chị đang tiếp tục trồng thêm 60 cây chanh không hạt và đang tiến hành thả giống 3kg cá diêu hồng và cá trê con. Chia sẻ về ý tưởng của mình, chị Trần Thị Thu Hồng, cho biết: “Cái này là mình ấp ủ lâu rồi, có nghĩa là mình muốn mình sẽ có 1 khu vườn xanh, sạch, đẹp. Trong đó có bao gồm cả chăn nuôi, trồng rau sạch và nuôi luôn cả cá để sau này có khả năng chiều chủ nhật mình sẽ tập trung chị em phụ nữ lại đây để sinh hoạt, đồng thời có mương nước ở đây sẽ có câu cá. Cái thứ hai nữa là mình chăn nuôi gà tất cả đều là sạch. Thay vì người ta nuôi gà công nghiệp 3 tháng người ta thu nhập, thì ở nhà đây mình nuôi gà theo mô hình organic, gà sạch, cho gà ăn lúa nên là 5 tháng mình mới thu hoạch gà, nên thành giá trị của mỗi con gà là từ 120.000 – 130.000đ/kg. Sau khi mình đã làm đâu đó rất bài bản rồi thì lúc đó công việc thiết thực nhất là mình tập trung chị em phụ nữ lại để mình triển khai, đại khái là mình hướng dẫn cho chị em những nhà nào có đất tầm cỡ như mình sẽ làm mô hình như thế này để làm cho cuộc sống của người phụ nữ ngày càng tốt đẹp hơn”.
Chị Hồng cũng cho biết, bằng việc đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi trên diện tích vườn nhà, nhìn qua thì ai cũng nghĩ một mình chị sao có thể chăm sóc hết nhưng chị biết cách sắp xếp công việc một cách hợp lí nên cũng khá thuận lợi trong quá trình thực hiện mô hình này. Chị Trần Thị Thu Hồng, chia sẻ: “Thường thường tập trung làm buổi sáng vì buổi sáng ít có nắng hơn, mà dậy sớm rất là tốt. Sáng là cắt rau rồi chị bỏ chợ, xong xuôi hết rồi vệ sinh chuồng trại, cho gà cho vịt ăn, xong hết vào trong nhà quét dọn nhà cửa, tại cái khu của mình rộng quá nên thành thử chị phải làm cỏ, tưới cây đồ nữa. Buổi sáng, xong hết là tầm 10 giờ rưỡi là chị vào nhà để nấu cơm”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, chủ tịch Hội LHPN xã Phong Nẫm, cho biết: Hưởng ứng phong trào “phụ nữ khởi nghiệp”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do hội cấp trên và địa phương phát động, đến thời điểm này, nhiều chị em ở xã Phong Nẫm đã biết tranh thủ nguồn vốn vay của Nhà Nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, để giúp đỡ, động viên cho các hội viên còn thiếu nguồn vốn, thời gian qua Hội LHPN xã cũng đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hội viên vay vốn; trong đó chị Trần Thị Thu Hồng đang được hội tín chấp vay nguồn vốn để phát triển mô hình là 40 triệu đồng. Bởi, qua đánh giá, hội phụ nữ xã nhận thấy đây là mô hình mới, làm thay đổi tư duy của nhiều chị em phụ nữ nông thôn hiện nay. Thay cho việc phát triển nhỏ lẻ, chỉ nuôi một con, trồng một cây thì việc đa dạng hóa cây trồng vật nuôi như vậy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, trao đổi thêm: “Qua ý tưởng của chị thì đây cũng là một ý tưởng mới giúp cho chị cải thiện kinh tế gia đình và cũng đồng thời là đây cũng là một mô hình mới để mà chị em hội viên phụ nữ trong xã mình có thể là mạnh dạn hơn, sáng tạo hơn trong việc đổi mới cây trồng, đổi mới vật nuôi, kết hợp trong diện tích nhỏ, vừa đủ của gia đình để mà giúp cải thiện kinh tế, làm giàu một cách chính đáng”. “Có đi tới tham quan mô hình của nhà chị Hồng thì thấy so với cách làm của chị em trước đây thì cách làm của chị Hồng thì nó có mới, rất là hay, phụ nữ có thể học tập để nâng cao kinh tế của gia đình, có vườn, có ao, có chuồng, có cây cảnh thì rất là đẹp. Nếu mà làm thành công thì đó là một công việc rất là đáng học tập để chị em mình làm theo để nâng cao kinh tế gia đình” - Bà Trần Thị Nguyệt Chi – chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Xuân Hòa, xã Phong Nẫm, cho biết thêm.
Đa dạng hóa các cây trồng vật nuôi nhằm hướng đến một khu sinh thái để phục vụ cho cộng đồng trong tương lai, chị Hồng cho biết, dự định của chị trong tương lại sẽ trồng thêm dừa, nuôi thêm ếch vừa mang đến người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch vừa để nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình. Chị Trần Thị Thu Hồng, bộc bạch: “Tui có 1 cái dự định trong đầu, có nghĩa là mình sẽ làm môi trường ở đây xanh, sạch, gồm có cả thực phẩm sạch, sau này tui sẽ cho ở đây có 1 khu vui chơi trẻ em, tui đã làm sẵn khuôn đất trên kia rồi, vui chơi trẻ em miễn phí cho tất cả trẻ em thôn mình nói riêng và cả thành phố nói chung, khi nào có khả năng. Ví dụ như bây giờ chiều thứ 7, hay là chiều chủ nhật thì sẽ có những bố mẹ, người quen của tôi cho con em lên đây hái rau, câu cá, và các cháu thấy được những mô hình như là mình nuôi gà như thế nào, hoặc là mình trồng cây như thế nào và cây nó lớn như thế nào và nó hòa mình với thiên nhiên, những mảng xanh, sạch, đẹp”.
Không chỉ mạnh dạn trong thay đổi tư duy phát triển kinh tế gia đình, chị Trần Thị Thu Hồng còn được biết đến là một chi hội phó chi hội phụ nữ thôn tích cực, hòa đồng và một người mẹ giỏi – khi cùng chồng cho 4 người con ăn học đến nơi, đến chốn. Chị Hồng xứng đáng là điển hình cho người phụ nữ Việt Nam luôn vượt qua khó khăn, tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ, dám làm để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những điển hình làm kinh tế như chị đang góp phần trực tiếp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Phong Nẫm - một địa phương giàu truyền thống cách mạng.