Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, ở thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp luôn theo dõi các bản tin thời sự để biết thêm thông tin về dịch cúm gia cầm nhằm có hướng phòng bệnh cho đàn gà trên 800 con vừa thịt vừa mái nuôi tại gia đình. Với kinh nghiệm trên 10 năm trong nghề chăn nuôi gà, ông Hải thực hiện khá kỹ các khâu từ vệ sinh chuồng trại, đến việc mua thức ăn phù hợp để đàn gà phát triển tốt hơn trước khi xuất chuồng. “Hàng ngày ngoài việc rắc vôi, trấu xung quanh chuồng trại, định kỳ 10 ngày 1 lần, tôi còn thường xuyên thực hiện tiêm phòng cho đàn gà để phòng ngừa dịch bệnh. Nhờ tuân thủ đầy đủ quy trình như vậy nên các lứa gà khi xuất chuồng của gia đình tôi trong hơn 10 năm qua không mang mầm bệnh, được nhiều bà con trong và ngoài thành phố Phan Thiết đặt hàng mua”, ông Nguyễn Thanh Hải, chia sẻ thêm.
Xã Thiện Nghiệp hiện có trên 13.000 ngàn con gia cầm các loại, chủ yếu là gà được các hộ gia đình trên địa bàn chăn nuôi lấy thịt để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm luôn được lãnh đạo địa phương này đặc biệt quan tâm. Trong đó, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; thì công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chuồng trại, không để lây lan dịch bệnh trên diện rộng là một trong những việc làm thường xuyên của địa phương. Ông Trần Minh Quân, chủ tịch Hội nông dân xã Thiện Nghiệp, cho biết: “nhờ chủ động thực hiện tốt các giải pháp nêu trên nên hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm của địa phương chưa xảy ra”.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay thành phố Phan Thiết có trên 35.000 con gia cầm các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở 4 xã: Thiện Nghiệp, Tiến Lợi, Phong Nẫm, Tiến Thành. Với quy mô tổng đàn như vậy, nên công tác chỉ đạo ngành chức năng trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm luôn được lãnh đạo thành phố Phan Thiết đặc biệt quan tâm. Theo lãnh đạo phòng kinh tế Phan Thiết, hiện nay, đơn vị đang tham mưu UBND thành phố các văn bản liên quan về phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Trong đó, các biện pháp chủ yếu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận các hộ chăn nuôi; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn gia cầm để xử lý triệt để, thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường việc quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Được biết, trong năm 2019 vừa qua, thành phố Phan Thiết có trên 30.000 gia cầm được tiêm phòng Vaccine. Riêng trong năm nay, dự kiến sẽ có trên 35.000 con được tiêm phòng. Đối với người chăn nuôi, theo khuyến cáo - khi thấy đàn gia cầm có biểu hiện không bình thường, con vật bỏ ăn, gia cầm chết đột ngột, kèm theo đó là biểu hiện chảy nước mắt, nước dãi, xù lông, uể oải, ít đi lại, đầu gật ù đi kèm tiêu chảy nặng vv... thì hộ chăn nuôi cần báo cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để tiến hánh lấy mẫu xét nghiệm.