Theo đó, đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm cần tổ chức phát quang cây cỏ xung quanh nhà nuôi gia cầm, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn… trước khi ra/vào cơ sở; tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 01 lần. Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng sau khi vật nuôi được đưa đi giết mổ, trước khi nhập đàn mới; phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở; nơi giết mổ cần vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất; phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh. Đối với nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm thì thường xuyên vệ sinh, quét dọn, khơi thông cống rãnh và thu gom rác thải để xử lý; phun tiêu độc, khử trùng mỗi tuần một lần. Ở các chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật phải quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu vực giết mổ và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ; phương tiện, dụng cụ vận chuyển phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ; những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, khử trùng cuối mỗi buổi chợ; quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.
Để đảm bảo vệ sinh cho chính gia đình mình, nhất là trong thời điểm các dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch tả lợn châu phi xuất hiện như hiện nay, các hộ dân cần nghiêm túc làm vệ sinh cơ giới như: phát quang cây cỏ, quét dọn vệ sinh, thu gom phân rác, chất độn chuồng đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Bên cạnh đó, UBND các phường/xã và Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết cũng sẽ phối hợp hướng dẫn, thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng.