Là con út trong gia đình có 5 anh em, từ nhỏ Lê Khắc V sinh năm 1994 ở thôn Tiến Đức xã Tiến Thành luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và có phần ưu ái hơn từ các thành viên khác trong gia đình. Thay vì đáp lại tình cảm ấy V sẽ tu chí học hành nhưng em lại chọn cho mình con đường theo bạn bè đua đòi những thói hư tật xấu. Bỏ học sớm rồi theo đám bạn ăn chơi, V nhanh chóng tiếp cận đến những tật xấu bên ngoài. Rồi sự việc gì đến cũng đã đến em đã nghiện ma túy. Biết chuyện gia đình em từ khuyên răn, ngăn cấm con tiếp xúc với bè bạn nhưng rồi cũng không thành, V ngày càng trở nên khó dạy dỗ. Và rồi khi được ban điều hành thôn đến vận động giáo dục, tiếp cận từ từ Lê Khắc V đã dần nhận ra sai lầm của mình và em quyết chí từ bỏ ma túy. Vào tháng 5/2018, em đã được gia đình hỗ trợ để tham gia cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện Phước Bình – huyện Long Thành – tỉnh Đồng Nai. Đến cuối năm 2018 em đã cơ bản từ bỏ được ma túy và trở về với gia đình. Hiện V đã có việc làm để tự lo cho cuộc sống của mình.
Trường hợp của V cũng chính là 1 trong nhiều đối tượng nghiện ma túy đã được mô hình thôn tự quản chống lây lan ma túy – thôn Tiến Đức – xã Tiến Thành, cảm hóa giáo dục và giúp đỡ để tránh xa ma túy và trở thành người có ích cho xã hội. Được thành lập và đưa vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, mô hình thôn tự quản chống lây lan ma túy thốn Tiến Đức ban đầu có 13 thành viên, do trưởng thôn làm tổ trưởng và các thành viên gồm có: tổ trưởng các tổ tự quản, trưởng mặt trận, các hội đoàn thể và công an viên. Mô hình có nhiệm vụ phối hợp lực lượng chức năng, nhất là công an xã kiểm tra, thống kê và rà soát các đối tượng nghiện và nhóm đối tượng có nguy cơ nghiện ma túy; từ đó nghiên cứu và lên kế hoạch, đồng thời phân công cho các thành viên trực tiếp phối hợp cảm hóa, giáo dục đối tượng, vận động người nghiện sử dụng các biện pháp để cai nghiện và tránh xa ma túy. “Lấy phương châm tuyên truyền vận động theo kiểu mua dầm thấm lâu, thuyết phục để giúp người nghiện và các đối tượng có nguy cơ cao nhận ra sai lầm để rồi từ bỏ là nhiệm vụ chính được các thành viên trong mô hình áp dụng”. Ông Lê Ngọc Thu – trưởng ban điều hành thôn Tiến Đức đồng thời là tổ trưởng tổ nòng cốt mô hình thôn tự quản chống lây lan ma túy – thôn Tiến Đức xã Tiến Thành cho biết thêm.
Thôn Tiến Đức xã Tiến Thành hiện có 188 hộ với gần 700 nhân khẩu sinh sống và được chia làm 5 tổ tự quản. Trên 70% dân cư sinh sống nhờ vào nghề biển. Đây cũng là địa bàn giáp ranh với khu phố 5 và khu phố 8 phường phường Đức Long, do vậy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất tình hình an ninh trật tự, nhất là tệ nạn ma túy; số đối tượng nghiện ma túy tập trung nhiều tại đây. Do vậy, ngay sau khi đưa mô hình thôn tự quản phòng chống lây lan ma túy vào thực hiện đã từng bước tác động đến ý thức của người dân trong việc ngăn chặn sự lây lan của tệ nạn ma túy và kiềm chế sự gia tăng của ma túy trên địa bàn thôn nói riêng. Theo đó, ngoài việc lên danh sách nắm chắc số đối tượng sử dụng ma túy và các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến ma túy, từ khi đưa mô hình vào hoạt động cũng đã giúp cho lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn và phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Trong đó, với sự tích của các thành viên trong tổ mô hình từ cuối năm 2016 đến nay cũng đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức gọi hỏi răn đe, giáo dục thành công nhiều đối tượng có liên quan an ninh trật tự - trong đó có các đối tượng liên quan đến ma túy. Riêng trong năm 2018 vừa qua, mô hình cũng đã giúp đỡ 2 đối tượng đi cai nghiện thành công, trong đó có một đối tượng tự đi cai nghiện và một đối tượng cai nghiện tập trung. Hiện cả 2 đối tượng đều đã có công ăn việc làm với công việc lao động biển và trồng thanh long, mang lại thu nhập cho chính bản thân các đối tượng. Kết quả này không chỉ tác động tích cực đến chính những gia đình có người trong cuộc mà qua đó còn góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm ma túy trong cộng đồng dân cư.
Như vậy có thể thấy, những kết quả từ mô hình thôn tự quản chống lây lan ma túy ở thôn Tiến Đức – xã Tiến Thành – TP.Phan Thiết mang lại thật sự chưa nhiều, nhưng với việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, đoàn thể trong tổ mô hình và chính các đối tượng nghiện và gia đình họ đã cho thấy sự cần thiết của việc chung tay huy động mọi tổ chức và cộng đồng dân cư để phòng chống tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác là rất cần thiết hiện nay. Và đối với mô hình nói trên cũng đã góp phần rất lớn trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại xã Tiến Thành, qua đó đưa xã nhà đạt và được cấp trân quyết định công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2019 này.