Nằm lọt thỏm giữa những vườn thanh long xanh tốt là căn nhà cấp 4 của bà Võ Thị Liên ở thôn Xuân Phú – xã Phong Nẫm. Bên ly nước được nấu từ gạo lứt, bà Liên dường như xúc động hơn khi nhớ về quá trình tham gia cách mạng của mình. Bởi tham gia cách mạng từ năm 1961, khi vừa tròn 18 tuổi, Mười Liên được giao làm công tác thiếu niên xã Hàm Thạnh – một vùng giải phóng sau căn cứ - rồi sau đó là phó bí thư huyện đoàn Hàm Thuận đến năm 1967 huyện ủy điều về bổ sung vào cấp ủy xã Hàm Tiến nay là xã Phong Nẫm. Vào tháng 2/1968 do yêu cầu nhiệm vụ, Mười Liên được giao vào trong lòng Thị xã Phan Thiết để xây dựng cơ sở vùng nội thị thì bị địch bắt. Sau gần một tháng trời tra khảo, thẩm vấn dưới nhiều chiêu thức nham hiểm của kẻ địch nhưng chúng vẫn không khai thác được gì từ Mười Liên, nên đành kết thúc hồ sơ và tống giam tại Ty cảnh sát. Với Mười Liên, những trận đòn roi tra khảo của kẻ địch không chỉ làm đau thể xác mà nó còn tiếp thêm ngọn lửa căm thù giặc. Và cũng chính trong khoảng thời gian tra khảo ấy, có một kỉ niệm đau xót cho đến bây giờ và mãi về sau bà không thể nào quên. “đó là vào ngày tôi được bọn địch đưa đi thẩm vấn. Sáng bọn chúng đưa tôi đi thì tối đó anh em đồng đội vào giải phóng nhà lao. Khi cánh cửa nhà lao mở ra, dòng người đổ ra mọi hướng. Chen giữa dòng người ấy là những chiến sỹ cách mạng vừa chạy vừa gọi tên “Mười Liên ơi, em ở đâu, em ở phòng nào Mười Liên?” Lúc này một số bạn tù biết tôi nói là Mười Liên được đưa đi thẩm vấn thì các anh cũng bám trụ lại ở đó. Đúng lúc này bọn địch tăng cường ném bom và các anh đã hy sinh ngay tại đó” Bà Võ Thị Liên, xúc động nhớ lại.
Sau 4 năm giam cầm và không khai thác được gì, đến đầu năm 1972, bà Võ Thị Liên được địch trả tự do. Ra tù, bà được đưa về đội công tác tại thôn Đại Hòa, xã Phong Nẫm lúc bấy giờ. Lúc này, vì sức khỏe yếu do thời gian dài bị địch bắt tù đày, cấp trên không cho hoạt động trong vùng sâu nên giao cho bà giữ chức Phó bí thư Thị đoàn Phan Thiết cho đến tháng 10/1975, bà Liên được phân công giữ cương vị bí thư phường Phú Thủy, lúc này chỉ là chi bộ. Sau đó, từ tháng 4/1976 bà được cấp trên cử đi học bổ túc ở trường cán bộ tỉnh 2 năm, đến 1978 bà Võ Thị Liên được điều giữ chức phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ Thị xã Phan Thiết cho đến năm 1987 nghỉ hưu. Với bà Liên, 26 năm gắn bó với các phong trào cách mạng của địa phương, trong đó có 14 năm tham gia kháng chiến không chỉ là khoảng thời gian đánh dấu sự trưởng thành của một người chiến sỹ cộng sản yêu nước, mà đây cũng là khoảng thời gian ghi dấu lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Dành cả tuổi xuân để đánh giặc, với Bà Liên đó còn là trách nhiệm của một thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh. Để rồi, giờ đây khi đã bước sang tuổi 75, với 53 tuổi Đảng bà Liên xem các phần thưởng, như: Huân chương kháng chiến hạng nhất, huân chương Quyết thắng, Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, kỉ niệm chương bị địch bắt tù đày cùng nhiều phần thưởng cao quý khác như là những chiến tích trên mặt trận chiến đấu với kẻ thù và đó cũng là niềm tự hào để giáo dục con cháu mai sau. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp ngày thương binh liệt sỹ hàng năm bà lại càng biết ơn Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt, từ sau ngày quê hương đất nước được giải phóng cho đến nay, chính sách “đền ơn đáp nghĩa” đã và đang được các cấp chính quyền thực hiện khá tốt để tri ân những người có công với cách mạng, trong đó có bà.
Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương do chiến tranh để lại đang dần được hàn gắn. Và đối với nữ bệnh binh Võ Thị Liên – bà cũng đang phải đối mặt với một cuộc chiến ác liệt khác – đó chính là căn bệnh ung thư trực tràng. Nhưng bà không khuất phục. Bà vẫn sống với một niềm tin và sự lạc quan yêu đời của một nữ chiến sỹ cách mạng ngày nào. Hễ có thời gian, bà Liên lại cùng với anh em đồng đội về nguồn thăm lại chiến trường xưa. Và một điều đáng trân quý hơn đó chính là bà vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để cùng với tổ chức hội cựu tù chính trị tham gia các buổi nói chuyện truyền thống với các thế hệ học sinh ở các trường THPT trong tỉnh. Chính nghị lực vượt lên tất cả để sống và cống hiến cho quê hương đất nước của bà Võ Thị Liên đã trở thành tấm gương cho biết bao thế hệ tự hào và khâm phục, trong đó có cả những đồng đội từng chiến đấu trong cùng chiến trường. Bà Nguyễn Thị Kim Vân – một trong những đồng đội cùng chiến đấu với bà Liên trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1968:
Qua câu chuyện của bà Võ Thị Liên kể trên, có thể thấy, tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường và ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống của những người chiến sỹ cộng sản đã làm nên lịch sử chiến thắng vẻ vang, đem lại độc lập tự do cho cả dân tộc. Họ không chỉ kiên trung trong thời chiến, mà còn là những gương sáng trong thời bình để cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.