Một mùa xuân mới lại về trên khắp các nẻo đường đất nước. Đất trời vào xuân, lòng người cũng trở nên bâng khuâng hơn. Nhất là đối với những người lính đã từng đi qua chiến tranh, mỗi độ xuân về, trước thềm năm mới, là những hoài niệm về những ngày xuân xưa thời kháng chiến. 50 năm trước, có một mùa xuân đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Tại chiến trường Phan Thiết, lực lượng quân ta lúc này gồm có: Tiểu đoàn 840 của Quân khu 6, tiểu đoàn 482 và các đơn vị đặc công trinh sát của tỉnh cùng một số đơn vị bộ đội địa phương, đội công tác và lực lượng chính trị của các huyện Hàm Thuận, Thuận Phong và thị xã Phan Thiết. Thực hiện lệnh tổng tấn công, lực lượng quân ta tổ chức tấn công theo 3 hướng: cánh 1 tấn công hướng chủ lực vào phía Đông Phan Thiết; cánh 2 tấn công vào phía Bắc Phan Thiết và cánh thứ 3 theo hướng Tây Nam Phan Thiết. Bia chiến tích trên đường Nguyễn Hội, là nơi quân ta nổ quả bọc phá đầu tiên đánh đồn Trinh Tường, mở màn cuộc công kích mãnh liệt của lực lượng vũ trang vào thị xã Phan Thiết. Thời gian dẫu có làm xoá nhòa nhiều thứ, nhưng với những người lính trực tiếp tham gia trận đánh mở màn trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Bình Thuận, ký ức hào hùng ngày ấy mãi mãi không thể quên.
Qua 04 ngày đêm chiến đấu quyết liệt trong đợt tiến công đầu tiên, quân ta đã đánh chiếm nhiều khu vực, mục tiêu quan trọng ở nội thị, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Đêm 17 rạng ngày 18/2/1968, 3 cánh quân của ta tiếp tục đồng loạt tấn công đợt 2 vào thị xã Phan Thiết. Trong đợt tấn công này, Khu ủy Khu 6 và tỉnh ủy Bình Thuận phát động “Khí thế Mậu Thân”, huy động sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng dân quân, du kích và đồng bào vùng căn cứ phục vụ chiến đấu. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt trong nhiều ngày liên tiếp. Đối phương phản kích bằng các loại phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Trong hoàn cảnh ác liệt, người chiến sỹ giải phóng tỏ rõ khí phách kiên cường, quả cảm, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Sau đợt tiến công lần thứ hai, Ban chỉ huy tiền phương nhận định, ta chưa thể dứt điểm thị xã, nên, chủ trương không đánh tiếp vào Phan Thiết mà bố trí các lực lượng ra vùng ven, hình thành thế bao vây, uy hiếp địch. Đêm 11 rạng ngày 12/3/1968, quân khu quyết định tổ chức đợt tấn công cuối cùng kết thúc cao điểm Mậu Thân. Cùng với tấn công quân sự, quần chúng khắp nơi trong toàn tỉnh đồng lòng nổi dậy. Kết quả sau các đợt tấn công và nổi dậy, quân và dân Bình Thuận đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.700 tên địch; phá huỷ 4 kho xăng, 1 kho đạn; giải thoát 700 tù chính trị; giải phóng 8 xã; 33 ấp với hơn 44 ngàn dân. Thắng lợi của cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968 đã phát huy đến mức cao nhất nguồn hậu phương tại chổ, hậu cần trong nhân dân từ thành thị đến nông thôn, từ vùng căn cứ đến vùng tạm chiếm, kẻ góp công, người góp của, tất cả hướng về tiền tuyến.
50 năm đã trôi qua, nhưng, những câu chuyện về tết Mậu Thân luôn vẫn ở trong ký ức của những cựu chiến binh đã từng tham gia các trận đánh trong chiến dịch ngày ấy. Đó là những câu chuyện về tình quân dân cá nước, tình đồng chí đồng đội được thể hiện cao nhất trong chiến tranh ác liệt, tất cả đã làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Đất nước thanh bình, nhưng nhân dân mãi mãi không quên công ơn của những người anh hùng đã ngã xuống trong mùa xuân xưa. Máu đào các anh đổ xuống để cho cuộc sống nở hoa. Bị địch phản công với lực lượng đông và vũ khí hiện đại, 12 chiến sĩ của tiểu đoàn 840 đã anh dũng hy sinh, tất cả các chiến sỹ được chôn cất trong một ngôi mộ chung tại nơi này trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 68. Và, còn rất nhiều những ngôi mộ chung, những bia tưởng niệm như thế này trên khắp cả nước để khắc ghi xương máu các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống trong những ngày xuân 50 năm trước. Sự hy sinh của các liệt sỹ với lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, đã tô thắm truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi, kiên cường của dân tộc ta.
Đón xuân này lại nhớ xuân xưa. Những con đường, góc phố ngày nào thấm máu bao chiến sỹ anh hùng, giờ ngập tràn sắc xuân tươi đẹp. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, sẽ luôn sống trong ký ức của những người đã từng tham gia cuộc chiến, và trong tâm thức của thế hệ trẻ hôm nay, đó mãi mãi là bản thiên anh hùng ca bất diệt, được viết bằng bản lĩnh, ý chí, tinh thần xả thân sẵn sàng hy sinh xương máu của những người con đất Việt vì khát vọng hòa bình, thống nhất non sông, đất nước./.