Trong 9 tháng năm 2017, Công an thành phố đã phối hợp các lực lượng liên quan phát hiện, triệt phá 55 vụ/ 117 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 128,1783 gam Methamphetamane, 11,3988 gam heroin, 44 gam cần sa, 18 bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá, 23 xe mô tô, 69 điện thoại di động, 01 súng công cụ hỗ trợ, 200 USD và 42.842.000 đồng; khởi tố 48 vụ/ 59 bị can. Đưa vào diện quản lý nghiệp vụ đối với 58 trường hợp chưa đủ điều kiện khởi tố, xử lý hình sự. Ngoài ra, lực lượng Công an cũng thường xuyên phối hợp với các đồn Biên phòng Thanh Hải và Mũi Né tập trung triển khai quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp nhằm kiềm chế, không để phát sinh các điểm nóng về ma túy ở khu vực dân cư ven biển, phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma tuý; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý cho người dân khu vực ven biển để họ nhận thức được tác hại của ma tuý cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến công tác này, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống ma tuý nói riêng. Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, trong 9 tháng năm 2017, đồn Biên phòng Thanh Hải và Mũi Né phát hiện, bắt giữ, điều tra ban đầu 11 vụ/ 11 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 123 tép heroin, 5,8316g, 06 túi và 01 tép ma tuý đá chuyển cho Công an thành phố thụ lý. Phối hợp kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp trồng cây cần sa và các loại cây có chứa chất ma túy, qua đó đã phát hiện 03 trường hợp trồng 223 cây cần sa tại xã Thiện Nghiệp, đã tiêu hủy và ra Quyết định xử phạt hành chính 02 trường hợp số tiền là 5.500.000 đồng; phạt cảnh cáo 01 trường hợp. Phối hợp theo dõi, quản lý số người nghiện đang điều trị bằng chất Methadone thay thế; gọi hỏi, răn đe 70 đối tượng nghiện. Phối hợp với các ngành tư pháp đưa ra xét xử lưu động 15 vụ án điểm /19 bị can về ma túy để nâng cao tính răn đe, giáo dục.
Nhìn chung là tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn thành phố Phan Thiết diễn biến phức tạp; số vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma tuý được phát hiện ngày càng tăng; phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh. Nguồn ma túy vẫn do các đối tượng mua từ thành phố Hồ Chí Minh về cung cấp cho các đối tượng trên địa bàn, các đối tượng này phần lớn không có việc làm hoặc việc làm không ổn định; để có tiền sử dụng ma túy, một số đối tượng ngoài việc mua bán đã thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật,… qua đấu tranh khai thác có trên 60% đối tượng có liên quan đến ma túy. Thời gian gần đây xuất hiện nhiều đối tượng ở địa bàn các huyện giáp ranh đưa ma túy đến Phan Thiết thuê các nhà nghỉ để lưu trú, tổ chức sử dụng và hoạt động mua bán. Nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma túy tổng hợp bị ảo giác (ngáo đá) đã có hành vi gây rối trật tự và xâm phạm sỡ hữu tài sản của người khác. Tình hình trên đã tác động xấu đến an ninh trật tự và gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong cán bộ và nhân dân. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm hình sự phát sinh; đồng thời, cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS…Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn thành phố có 462 người nghiện ma túy (trong đó có 29 nữ), tăng 72 trường hợp (462/390) so với cuối năm 2016. Trong đó phát hiện mới 58 người; tái nghiện, tù tha về, từ nơi khác đến 42 người; giảm do nguyên nhân chết, cai nghiện thành công, bỏ đi địa phương khác sống, đang thi hành án và cơ sở cai nghiện 28 trường hợp. Qua phân loại các phường trọng điểm, hiện nay thành phố Phan Thiết chưa có phường trọng điểm loại 1, có 02 phường trọng điểm loại 2 (Mũi Né, Phú Hài) và 08 phường loại 3 (Đức Long, Đức Thắng, Lạc Đạo, Phú Tài, Phú Thủy, Phú Trinh, Bình Hưng, Xuân An). Thực tế còn không ít đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến sử dụng ma túy hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, xác minh lập hồ sơ quản lý. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo tăng cường quan hệ phối hợp thực hiện có hiệu quả nội dung liên tịch song phương giữa các ngành và thành viên của Mặt trận với Công an Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động thành phố và Ban đại diện Hội người cao tuổi....qua đó, nhiều mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, gương điển hình tiên tiến có hiệu quả về an ninh trật tự ở cơ sở được xây dựng và nhân rộng như: Mô hình Câu lạc bộ phụ nữ 3 trong 1; câu lạc bộ phụ nữ tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm; câu lạc bộ thanh niên không vi phạm các tệ nạn xã hội; câu lạc bộ cựu chiến binh với pháp luật; tổ liên.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy chưa quyết liệt, chưa tập trung vào đối tượng, địa bàn trọng điểm, phức tạp; công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng có biểu hiện liên quan đến ma túy chưa thật chặt chẽ. Kết quả đấu tranh trấn áp, điều tra, khám phá tội phạm có lúc đạt thấp; việc phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” chưa thật sự mạnh mẽ; các biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hiệu quả chưa cao; công tác hướng nghiệp, tạo điều kiện giúp đỡ những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả đạt thấp. /.