Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 đã nêu trong Chương trình hành động số 40, 41-CTr/TU, ngày 26/01/2018 của Tỉnh ủy (khóa XIII). Đối với thực hiện Nghị quyết số 21, Thành phố Phan Thiết đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp chuyển trọng tâm từ tập trung vào KHHGĐ sang dân số và phát triển; Đổi mới nội dung tuyên truyền, tập trung vận động mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về nghiêm cấm thực hiện những hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và không sinh con thứ ba trở lên; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tác hại của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trực tiếp, tư vấn tại cộng đồng; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về dân số phát triển vào nội dung sinh hoạt của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông ngư dân ở địa bàn dân cư, nhất là các phường, xã ven biển và nông thôn có mức sinh cao, đồng thời vận động sinh đủ 2 con ở những nơi, trong một số đối tượng cụ thể có mức sinh thấp. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đẩy mạnh công tác tư vấn, giáo dục sức khỏe cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; thực hiện tốt chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh...bảo đảm thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả của sự phát triển của thành phố. Cùng với đó, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên cung cấp dịch vụ miễn phí chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho các hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình Trung tâm y tế thành phố. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên làm công tác dân số ở các xã, phường và các thôn, khu phố. Triển khai thực hiện việc đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội.
Đối với Nghị quyết số 20, thành phố Phan Thiết đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Trong đó, để nâng cao sức khỏe nhân dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích nhằm giảm thiểu tác động xấu đến sức khoẻ cộng đồng. Đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý, tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường. Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể, thể thao quần chúng trong các cơ quan, đơn vị và phường, xã. Tăng cường công tác y tế học đường. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao của thành phố và các phường, xã. Nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý sức khoẻ của người dân tại trạm y tế như: tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế. Đặc biệt là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần khắc phục căn bản tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm y tế thành phố. Tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế thành phố về trạm y tế phường, xã và phòng khám khu vực; chuyển giao kỹ thuật cho trạm y tế xã, phường để giảm tải cho Trung tâm y tế thành phố; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khoẻ cho người dân tại Trung tâm y tế thành phố và các Trạm y tế phường, xã.
Để đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế cần thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp lại các tổ chức y tế của thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành dọc, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố; Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường gắn với y tế học đường phù hợp với đặc điểm của từng phường, xã. Phát triển mạnh các tổ chức sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng dân cư, nhất là tại các trạm y tế phường, xã; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về y đức, quy định của ngành về khám, điều trị bệnh trong các cơ sở y tế.
Với các nhiệm vụ và giải pháp thiết thực mà thành phố Phan Thiết đã đề ra trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20, 21-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá XII) cùng với sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền, vai trò tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và toàn xã hội sẽ góp phần đạt kết quả, hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025, 2030 đã nêu trong Chương trình hành động số 40, 41-CTr/TU, ngày 26/01/2018 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII)./.