Thực hiện công văn số 107, ngày 07/01/2020 của UBND TP.Phan Thiết, về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh sáp nhập thôn, khu phố trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2021, cấp ủy, chính quyền phường Phú Trinh đã bắt tay ngay vào việc triển khai các bước theo hướng dẫn của trên. Bởi, trước đó qua công tác rà soát, Phú Trinh có 2 khu phố là khu phố 6 và 7 không đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Chính vì vậy, quá trình triển khai chủ trương sáp nhập, 2 khu phố này đã nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là cấp ủy chi bộ, ban điều hành, ban công tác mặt trận và các đoàn thể của 2 khu phố. Theo đó, tên gọi mới của khu phố 6 và 7 sau khi sáp nhập là khu phố 7 phường Phú Trinh, với 509 hộ - đạt tỷ lệ 169,67% so với quy định và có diện tích tự nhiên gần 8 héc ta. Quá trình triển khai các bước về công tác nhân sự tạm thời cũng được Đảng ủy, UBND phường tổ chức thực hiện theo quy định. Trên cơ sở tôn trọng ý kiến nhân dân và tranh thủ sự am hiểu nắm rõ địa bàn của các cán bộ khu phố đương nhiệm, Phú Trinh cũng đã quyết định thành lập chi bộ trực thuộc và chỉ định lâm thời trưởng khu phố 7- sau sáp nhập.
Với vai trò được giao là bí thư chi bộ khu phố 7, ông Lê Viết Đời, cho biết: Đây không chỉ là một chủ trương đúng đắn trong việc tinh gọn bộ máy ở cơ sở, mà qua đó tạo điều kiện để ngân sách tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn trong việc chi cho các hoạt động thường xuyên tại khu phố. Bởi nếu như trước đây, phải chi 2, bây giờ chỉ chi có một. Tuy nhiên, bí thư chi bộ khu phố 7 cũng cho rằng, việc sáp nhập 2 khu phố 6 và 7 thành khu phố 7 cũng đặt ra nhiều khó khăn trước mắt đối với cấp ủy, ban điều hành khu phố hiện nay.
Đi đôi với công tác củng cố các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ cho khu phố trong quá trình hoạt động, và đặc biệt là không làm gián đoạn quá trình giải quyết các thủ tục hành chính của người dân là điều đang đặt ra cho đội ngũ cán bộ khu phố sau khi sáp nhập, cùng với đó là triển khai công tác đại hội chi bộ nhiệm kì 2020 – 2022 và bầu cử khu phố nhiệm kì 2019 – 2024. Bởi, trong đợt bầu cử trưởng, phó thôn – khu phố, nhiệm kì 2019 – 2024 diễn ra vào tháng 7 năm 2019, khu phố 6 và 7 của phường Phú Trinh cùng với 8 khu phố khác của 3 phường Đức Nghĩa, Phú Thủy và Bình Hưng không tổ chức bầu cử do nằm trong đề án sáp nhập khu phố thôn theo chủ trương của trên. Do vậy, để hoạt động của khu phố tiếp tục được duy trì, ông Nguyễn Xuân Bình – người được UBND phường Phú Trinh chỉ định lâm thời giữ vai trò trưởng khu phố 7, cho biết: “Việc đầu tiên sau khi sáp nhập là ổn định tình hình trong khu phố đi đôi với việc củng cố các hội đoàn thể, các tổ tự quản và hoàn thành các thủ tục bàn giao để sớm đưa hoạt động của khu phố trở lại bình thường, hạn chế thấp nhất việc làm ảnh hưởng đến người dân. Bởi, sau quá trình sáp nhập sẽ tác động đến nhiều cá nhân, hộ gia đình do phải tiến hành chuyển đổi nhiều giấy tờ liên quan từ cũ sang mới trong trường hợp cần thiết”.
Theo Đề án sắp xếp thôn, khu phố tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn 2019 – 2021 và Nghị quyết của HĐND tỉnh, Bình Thuận sẽ thực hiện sáp nhập 30 thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn; trong đó, 6 thôn, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn ở các huyện Bắc Bình, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và 24 thôn, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Đức Linh. Như vậy, trong giai đoạn 2019 - 2021, sau khi sắp xếp lại, Bình Thuận sẽ còn 691 thôn, khu phố, giảm 15 thôn, khu phố so với hiện nay. Trong đó, đối với thành phố Phan Thiết, bên cạnh sáp nhập khu phố 6 và 7 thành khu phố 7 của phường Phú Trinh; phường Bình Hưng cũng sáp nhập 2 khu phố: 6 và 7 thành khu phố 6; khu phố 8 và 9 của phường Phú Thủy thành khu phố 8; phường Đức Nghĩa sáp nhập khu phố 1 và 2 thành khu phố 2, và khu phố 3 và khu phố 4 thành khu phố 4.
Thôn, khu phố luôn giữ vai trò khá quan trọng, là cánh tay nối dài giữa chính quyền cơ sở với nhân dân. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của các phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, hay vận động các nguồn quĩ... đều xuất phát từ địa bàn khu phố, thôn. Do vậy, việc sáp nhập thôn, khu phố không chỉ giảm đầu mối, tinh giản bộ máy cán bộ để tiết kiệm cho ngân sách, mà qua đó còn phát huy được vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và vai trò tuyên truyền, vận động của Ban điều hành và các tổ chức đoàn thể ngay tại địa bàn dân cư.