Trong 5 năm qua, thực hiện qui chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, UBMTTQVN thành phố, vai trò của Mặt trận hai cấp của thành phố trên lĩnh vực tham gia xây dựng chính quyền được thể hiện một cách khá rõ nét. Hàng năm, thực hiện các văn bản hướng dẫn của UBMTTQ tỉnh và kế hoạch của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố và phường, xã tập trung thực hiện tốt công tác tham gia tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, có hệ thống các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Tuyên truyền về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai; các văn bản pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại các kỳ họp. Bên cạnh đó, Mặt trận hai cấp thành phố đã phối hợp tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân như: Luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung); Bộ Luật Dân sự; Bộ Luật Lao động (sửa đổi); Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Đất đai; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Quốc tịch; Luật Thi hành án dân sự; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Biển Việt Nam, các nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam; bảo vệ môi trường; tuyên truyền các chủ đề về đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông; các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các quy trình, thủ tục hành chính về đăng ký quản lý kinh doanh, cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; các quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; tập trung tuyên truyền thực hiện đạt các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Song song với công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Mặt trận hai cấp thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phong trào chấp hành pháp luật theo từng đối tượng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp dân cư; tổ chức công nhận cộng đồng dân cư chấp hành pháp luật tốt gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư" và được lồng ghép với các phong trào của từng tổ chức thành viên thực hiện. Phát động và tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân ký cam kết không vi phạm pháp luật, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật và đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật. Vận động nhân dân chấp hành pháp luật gắn với thực hiện quy ước nhằm phát huy vai trò của quy ước ở cộng đồng khu dân cư. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nội dung, chương trình hoạt động tại các trung tâm giáo dục cộng đồng phường, xã, nhà văn hóa, tụ điểm sinh hoạt văn hóa,câu lạc bộ pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường các hình thức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt khu dân cư; sinh hoạt câu lạc bộ; thông qua "Nhóm nòng cốt"; tiếp tục xây dựng và duy trì hoạt động của tủ sách pháp luật; biên tập và phát hành tờ rơi; tổ chức các cuộc thi,hội thi tìm hiểu pháp luật; nâng cao kỹ năng tập hợp, tuyên truyền nhận thức pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Ban công tác Mặt trận, Tổ hòa giải khu phố, thôn.
Đối với hoạt động giám sát chính quyền theo luật định, trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận hai cấp thành phố triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức cho đại biểu dân cử các cấp tiếp xúc cử tri theo qui định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND, UBND và Qui chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQ của hai cấp thành phố. Ban Thường trực UBMTTQ thành phố và phường, xã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND về công tác chuẩn bị nội dung các kỳ họp HĐND. Trong 5 năm qua, đã tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri 80 điểm; số lượt đại biểu tham gia: 80 lượt; số lượng cử tri tham gia tiếp xúc: 6.239 cử tri; số ý kiến, kiến nghị của cử tri: 711; Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 296 điểm ; số lượt đại biểu tham gia: 647 lượt; số lượng cử tri tham gia tiếp xúc: 19.142 cử tri; số ý kiến và kiến nghị của cử tri: 2.119. Ngoài ra, năm 2014 và 2015, đã tổ chức hội nghị đại biểu HĐND tỉnh – Đơn vị Phan Thiết tiếp xúc cử tri 08 điểm theo chuyên đề: Công tác quản lý vệ sinh môi trường và xây dựng đô thị tại các phường, xã và thành phố; có khoảng 620 cử tri tham dự, với 79 lượt ý kiến tham góp; Đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri 291 điểm; số lượt đại biểu tham gia: 671 lượt; số lượng cử tri tham gia tiếp xúc: 17.774 cử tri; số ý kiến và kiến nghị của cử tri: 1.916. Bên cạnh công tác phối hợp tổ chức cho đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, việc tổng hợp, rà soát ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp được tiến hành đảm bảo theo yêu cầu về mặt nội dung và thời gian được đề ra; đồng thời tiến hành phối hợp cùng với tổ đại biểu HĐND tỉnh, thành phố và phường, xã thống nhất việc xem xét, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của từng cấp.
Ngoài ra, hoạt động giám sát của Mặt trận hai cấp thành phố được thực thông qua công tác tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ban Thường trực UBMTTQ thành phố và phường, xã tổ chức hội nghị hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND thành phố và đại biểu HĐND phường, xã. Sau hội nghị lần thứ nhất và lần thứ hai, căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu HĐND, cơ cấu, thành phần và số lượng người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết qủa lấy ý kiến nơi cư trú, nơi công tác, làm việc, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố và phường, xã tiếp tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND thành phố và phường, xã. Sau hội nghị hiệp thương kết thúc, Ban Thường trực UBMTTQ hai cấp thành phố phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Ban Thường trực UBMTTQ thành phố và phường, xã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác hoặc nơi làm việc về những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; triển khai kế hoạch tổ chức cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử. Toàn thành phố đã tổ chức 210 điểm tiếp xúc đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Tỉnh, thành phố và phường, xã.
Sau bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND; Ban Thường trực UBMTTQ thành phố tiến hành tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu danh sách 20 người đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ hội thẩm nhân dân để HĐND thành phố bầu vào hội thẩm Toà án nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016. Tại kỳ họp lần thứ nhất kết quả có 20 người trúng cử để tham gia vào công tác xét xử của Toà án nhân dân thành phố, đã góp phần rất lớn đối với hoạt động tư pháp của thành phố trong nhiệm kỳ qua.
Đi cùng với hoạt động giám sát của Mặt trận, trong những năm qua, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố đã ban hành các văn bản hướng dẫn cho UBMTTQ các phường, xã về việc tiến hành tổng kết công tác TTND, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và bầu Ban TTND theo nhiệm kỳ qui định; đồng thời thường xuyên củng cố về mặt tổ chức TTND phường, xã nhằm nâng cao hoạt động giám sát của TTND ở phường, xã, với tổng cộng 152 thành viên TTND/131 thôn, khu phố. Trong 5 năm qua, góp phần nhất định đối với công tác thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở, Ban TTND 18 phường, xã đã tiến hành giám sát 164 công trình xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, thiết chế văn hóa, xây dựng nông thôn mới được đầu tư từ nguồn vốn của nhà nước và nhân dân (đường, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, chợ, trụ sở khu phố, thôn...), với tổng trị giá trên 35 tỉ đồng.