Công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm được Ban Thường vụ Thành uỷ quan tâm chỉ đạo đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tổ chức tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm từ thành phố đến phường, xã nhất là người lao động, làm cho họ hiểu được ý nghĩa của đào tạo nghề và tích cực tham gia học nghề tạo thêm việc làm, chuyển đổi nghề theo hướng bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, việc khảo sát, đánh giá thực trạng các đối tượng cần được hỗ trợ đào tạo nghề cũng được định kỳ tiến hành nhằm có kế hoạch đào tạo nghề sát với tình hình thực tế, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo cho lao động sau khi học nghề tìm được việc làm phù hợp. Các hình thức đào tạo nghề cũng phong phú, đa dạng hơn theo hướng khuyến khích các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cở sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; phát huy vai trò của các Trung tâm học tập cộng đồng ở các phường, xã trong việc bồi dưỡng, hướng dẫn nghề nghiệp cho lao động địa phương. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên; kết quả giải quyết việc làm hàng năng nhiều hơn; tình trạng thất nghiệp từng bước hạn chế; góp phần xoá đói giảm nghèo, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2004 đến năm 2013, toàn thành phố đã đào tạo nghề cho 31.148 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 3.000 lao động, góp phần tăng tỷ lệ người lao động qua đào tạo từ 29,61% năm 2004 lên 35% cuối năm 2013. Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020”, thông qua các hình thức đào tạo đã đào tạo nghề cho 8.356 lao động; các ngành nghề đào tạo về cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, qua đó đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho 5.397 lao động, chiếm tỷ lệ 72 %. Từ năm 2013, thực hiện phân cấp của UBND tỉnh, thành phố trực tiếp phối hợp với các Trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn mở 35 lớp đào tạo nghề cho 961 lao động, so với chỉ tiêu được giao đạt 132,4%; đến nay, có 427 lao động học nghề đã tốt nghiệp và 388 có việc làm ổn định đạt tỷ lệ 90,87%,
Về giải quyết việc làm, một mặt thường xuyên tổ chức các hội chợ việc làm, hoạt động tư vấn việc làm... thông qua đó tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm; đồng thời, thành phố thực hiện các dự án, mô hình phát triền kinh tế, các chương trình khuyến nông, khuyến công.... thông qua đó giải quyết việc làm cho người lao động. Từ 2004 đến nay, đã triển khai 07 mô hình, dự án phát triển kinh tế mà điển hình như “Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men ở Thiện Nghiệp”, “Nuôi trùn quế kết hợp với chăn nuôi và sản xuất trong nông nghiệp”, mô hình “Nấm rơm”, mô hình “Trồng rau an toàn”, mô hình “Lai tạo đàn dông” .... Các mô hình trên đã giải quyết việc cho khoảng 616 lao động. Song song với giải quyết viẹc làm thông qua các mô hình, dự án, thành phố còn chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công ngiệp. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 29 doanh nghiệp công nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho 4.240 lao động, các đơn vị có số lao động cao là Công ty TNHH may Thuận Tiến: 1.319 lao động, Công ty TNHH Rals quốc tế Việt Nam: 662 lao động, Công ty TNHH gỗ Kim Đô: 552 lao động....Cụm công nghiệp Hải sản Phú Hài, Cụm công nghiệp Nam cảng Phan Thiết với 99 cơ sở từ khi đi vào hoạt động cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho 2490 lao động. Ngoài ra các chương trình khuyến công, khuyến nông, chương trình xuất khẩu lao động.... cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tính chung, trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho hơn 94.820 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 9.500 lao động đạt 100% kế hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong những năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa sâu kỷ, chưa làm cho người lao động hiểu đầy đủ đúng đắn về sự cần thiết phải học nghề để tìm việc làm và tự tạo việc làm. Chất lượng đào tạo nghề đối với một số nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và phát triển các làng nghề truyền thống vừa nhỏ lẻ, vừa mánh múng chưa có sức hút lao động; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tuy có nhưng hiệu quả chưa cao; công nghệ, quy trình sản xuất lạc hậu làm hạn chế đến khả năng thu hút lao động vào làm việc; hoạt động xuất khẩu lao động những năm gần đây gặp nhiều khó khăn.