Được xem là một trong những hộ nuôi heo thịt lớn của địa phương từ nhiều năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Mười ở thôn Xuân Tài – xã Phong Nẫm – TP.Phan Thiết hiện đang thả nuôi 80 con heo thịt trong chuồng, với trọng lượng khoảng từ 30kg/1 con trở lên. Trong đó, có 10 con heo thịt có trọng lượng khoảng 1 tấn – đã đến kì xuất chuồng nhưng bà Mười vẫn chưa bán. Bởi, liên tục trong những ngày qua giá heo xuất chuồng được các thương lái thu mua giảm từ 50 ngàn đồng/1kg xuống còn hơn 30 ngàn đồng/1 kg. Dù biết giá heo thương phẩm giảm do lượng tiêu thụ thịt heo giảm trước ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên cả nước, nhưng bà Mười vẫn không vội vã xuất chuồng. Chính tâm lý không lo sợ trước giá heo hơi sụt giảm để rồi bán tháo, bán chạy như những đợt dịch bệnh nhiều năm trước và bị thương lái ép giá, bà Mười vẫn triển khai mọi hoạt động chăn nuôi heo của mình bình thường. Duy chỉ có việc phòng chống dịch bệnh cho heo được bà chú ý hơn. Trong đó, ngoài việc tham khảo cách phòng chống dịch bệnh từ các phương tiện thông tin đại chúng thì cách chăm sóc cho đàn heo thịt của mình cũng được gia đình đặc biệt chú ý hơn. Từ khâu lấy nước cơm thừa cho đến quá trình chế biến và cho heo ăn, bà Mười cũng có cách riêng của mình để ngăn ngừa các mầm bệnh có thể xâm nhập vào đàn heo. Như việc, cấm các người lạ tiếp cận đến khu vực chuồng nuôi heo hay như thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi. Một thuận lợi khác được gia đình Mười vận dụng khá hiệu quả vào việc chăn nuôi heo trong nhiều năm qua đó là việc xây dựng các hầm bioga để xử lý các chất thải từ heo đã làm cho khu vực huồng nuôi heo của gia đình luôn sạch sẽ, thoáng mát, tạo điều kiện cho heo phát triển khỏe mạnh.
Và không riêng già gia đình bà Nguyễn Thị Mười kể trên, mà nhiều hộ chăn nuôi heo tại TP.Phan Thiết nói riêng cũng đã có những cách chủ động phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này cho đàn heo của mình. Đơn cử như gia đình bà Bùi Thị Thạnh ở thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi. Với tổng số đàn heo thịt hiện có 30 con, trong đó có 10 con trọng lượng trung bình khoảng 50 kg /1 con và 20 con có trọng lượng khoảng 20g/1 con nên bà Thạnh cũng cảm thấy rất lo lắng trước dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Do đa phần thức ăn của heo đều được tận dụng thu gom từ nước cơm thừa của các hộ dân trên địa bàn và các quán ăn nên khâu chế biến thức ăn cho heo cũng đều được gia đình nấu chín kĩ trước khi cho heo ăn. Mặc dù có sự chủ động phòng chống dịch ngay từ chính gia đình nhưng với người chăn nuôi như bà Thạnh vẫn lo sợ thị trường heo thịt sẽ sụt giảm mạnh trước dịch bệnh này. Đặc biệt, bà Thạnh càng lo lắng hơn về tương lai của những hộ nuôi nhỏ lẻ như bà.
Qua tìm hiểu được biết: TP.Phan Thiết hiện vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ ở trong khu dân cư. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Phong Nẫm, Tiến Thành, Tiến Lợi, Đức Long, Thiện Nghiệp.v.v. Quy mô các hộ nuôi heo đang có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Trong đó, riêng xã Phong Nẫm hiện chỉ còn 13 hộ nuôi với khoảng 200 con, đa phần các hộ đều nuôi heo thịt. So với những năm trước con số này đã giảm nhiều.
Và với mỗi hộ chăn nuôi heo nói riêng, sự chủ động nắm bắt thông tin và có biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh từ chính trong từng hộ nuôi sẽ góp phần rất lớn trong việc phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch tả lợn châu Phi như hiện nay. Bởi, người chăn nuôi không chỉ là người kiểm soát ngăn ngừa khi chưa có dịch bệnh xảy ra mà họ cũng chính là người góp công rất lớn trong việc hạn chế hành vi phát tán mầm mống bệnh khi có dịch xảy ra.