Có thể thấy rằng việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 493/KH-UBND, ngày 23/02/2016 của UBND tỉnh về triển khai nhân rộng các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Phan Thiết trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự hỗ trợ của các ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế – xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố phát triển một cách nhanh chóng. Đến nay, tổ chức Hội Khuyến học đã có ở hầu hết các phường, xã, khu phố, thôn, trường học, cơ quan, hội đồng hương, nhà chùa, nhà thờ, với hơn 300 tổ chức và trên 25 ngàn hội viên. Đi đôi với sự phát triển của tổ chức Hội thì đội ngũ làm công tác khuyến học ngày càng được củng cố và tăng cường; từng cán bộ hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn, nhất là trong công tác vận động xây dựng tổ chức hội, vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài ngày càng có hiệu quả. Đây là điều kiện cần có để triển khai thực hiện Kế hoạch số 493/KH-UBND của UBND tỉnh; góp phần thúc đẩy phong trào xã hội hóa giáo dục, tiếp tục khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc; góp phần thực hiện chiến lược “Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài “ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để triển khai thực hiện chủ trương trên, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số: 55 /KH-UBND ngày 06/04/2016 về triển khai thực hiện Kế hoạch số: 493/KH-UBND ngày 23/02/2016 của UBND tỉnh; giao cho Hội Khuyến học thành phố tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Kế hoạch đến UBND, Hội Khuyến học các phường, xã, các ban, ngành, đoàn thể liên quan nhằm tạo sự nhất trí cao ngay từ trong nội bộ để có sự phối hợp trong triển khai thực hiện. Sau khi quán triệt tại thành phố; các phường, xã đã tổ chức triển khai quán triệt đến các Chi hội Khuyến học các khu phố, thôn. Ngoài ra, với nhiều hình thức phù hợp, UBND các phường, xã đã chỉ đạo Hội Khuyến học, các Ban Điều hành khu phố, thôn lồng ghép phổ biến tinh thần nội dung Kế hoạch số 493/KH-UBND, Quyết định số 501/QĐ-UBND của UBND tỉnh đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; với yêu cầu chung là phải làm cho mọi người, mọi nhà nắm được các nội dung cơ bản của việc xây dựng gia đình hiếu học là: Tất cả con cháu trong gia đình ở tuổi học đường đều phải được đến trường học tập đạt kết quả từ trung bình trở lên, không có lưu ban, bỏ học. Người lớn tuổi trong gia đình (trừ người già yếu, ốm đau) đều phải có kế hoạch, nội dung và hình thức học tập thích hợp, học có hiệu quả, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ trong nghề, mở mang kiến thức góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Các thành viên trong gia đình tích cực tham gia công tác khuyến học, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, có quan hệ tốt với mọi người, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Nhìn chung, qua quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Kế hoạch số 493/KH-UBND, hầu hết cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo ra được sự đồng thuận cao trong việc đẩy mạnh phong trào học tập trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, với phương châm “ Học tập thường xuyên, học tập suốt đời”; đặc biệt là huy động được con em trong độ tuổi đi học, không bỏ học giữa chừng. Phong trào đăng ký xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, của thành phố ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Vai trò tham mưu của Hội Khuyến học từ thành phố đến các phường, xã khá chủ động và kịp thời; sự phối hợp giữa Hội Khuyến học các cấp với các đoàn thể khá chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cao.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động xây dựng các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; từ năm 2016 đến 2018, Hội Khuyến học thành phố đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo triển khai cuộc vận động một cách quyết liệt. Nhờ đó, hằng năm số lượng đăng ký xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và được xét công nhận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, số hộ gia đình hiếu học được công nhận là 11.917 hộ thì năm 2018 có 32.469 hộ được công nhận đạt chuẩn gia đình hiếu học; năm 2015 có 26 khu phố, thôn được công nhận cộng đồng học tập, đến năm 2018 có 97/131 khu phố, thôn được công nhận đạt chuẩn cộng đồng học tập.
Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập”; “Đơn vị học tập” bước đầu đã có những chuyển biến đáng kể, rõ nhất là ý thức về việc học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, chăm lo việc học tập của con cháu trong mỗi gia đình, trong mỗi người đã được nâng lên một cách rõ rệt; là động lực giúp cho mỗi nhà, mỗi người đều tham gia học tập; số người tham gia học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng ngày càng nhiều; số hộ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngày càng tăng, góp phần quan trọng trong việc giảm hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo càng ngày càng giảm; năm 2015, số hộ nghèo 921/54817, chiếm tỷ lệ 1,68%, năm 2018 số hộ nghèo 631/55720 chiếm tỷ lệ 1,13% (theo chuẩn mới). Tỷ lệ người đọc báo, nghe đài, tham gia sinh hoạt ở Trung tâm học tập cộng đồng tiếp thu chủ trương chính sách mới, kiến thức và khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phục vụ nhu cầu ngày càng thiết thực hơn, số lượt người tham gia học tập ngày càng tăng; năm 2015 có 17.822 lượt người tham gia học tập, năm 2018 có 25.603 lượt người tham gia học tập. Đồng thời, cuộc vận động cũng đã góp phần quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, cụ thể là: Học sinh bỏ học ở các khối lớp ngày càng giảm dần. Năm 2015 có 121 học sinh bỏ học; năm 2016 có 113 học sinh bỏ học; năm 2017 có 89 học sinh bỏ học; năm học 2018 có 68 học sinh bỏ học (0,94/0,52).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật ấy; trên thực tế việc triển khai thực hiện cuộc vận động vẫn còn một số mặt hạn chế mà nổi rõ nhất là: Nhận thức về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói chung và phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập”; “Đơn vị học tập” nói riêng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức chưa thật đến nơi, đến chốn; một bộ phận cán bộ chủ chốt, nhất là các phường, xã nhận thức chưa đúng mức, từ đó chưa thật sự quan tâm chỉ đạo cuộc vận động một cách thường xuyên mà hầu như khoán trắng cho cán bộ khuyến học. Bản thân cán bộ khuyến học chưa kịp thời tham mưu cho lãnh đạo địa phương hoặc có tham mưu nhưng chưa cụ thể, biện pháp tháo gỡ khó khăn ách tắc trong quy trình triển khai thực hiện chưa đến nơi đến chốn; mặc khác sự phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể ở một số nơi thiếu đồng bộ; có lúc, có nơi, công việc cụ thể chưa gắn kết nên hiệu quả đem lại chưa cao .
Thời gian đến UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục phát động đăng ký xây dựng 4 mô hình theo Kế hoạch số 493/KH-UBND của UBND tỉnh; qua đó làm cho người dân nhận thức rõ lợi ích và nhu cầu của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần xây dựng địa phương trở thành một xã hội học tập, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu là: Gia đình đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học” so với tổng số hộ: 70%. Dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ hiếu học”: 2. Khu phố, thôn đạt danh hiệu “ Cộng đồng học tập”: 70%. Đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”: 70%
Tại hội nghị UBND thành phố đã đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho 01 tập thể và 01 cá nhân, đồng thời Chủ tịch UBND thành phố cũng đã Quyết định tặng giấy khen cho 04 tập thể phường có nhiều thành tích trong triển khai thực hiện Kế hoạch 493 gồm: cán bộ và nhân dân phường Hàm Tiến; phường Đức Long; phường Xuân An; Hưng Long.