Hội nghị đã quán triệt một số nội dung chính của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật được ban hành năm 2022, gồm 6 chương, 91 điều, quy định nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có một số điểm mới quan trọng như: Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định, đưa ra sáng kiến công dân; các hình thức Nhân dân bàn và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích của Nhân dân và đất nước. Đồng thời, luật còn có một số quy định mới về việc công khai thông tin ở cơ quan đơn vị và bổ sung thêm hình thức công khai mới, quy định về thời điểm công khai. Đặc biệt, luật cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó xác định nhiệm vụ, trách nhiệm và kỷ luật cụ thể của các đơn vị, người đứng đầu trong việc triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thi hành luật.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được thông tin thêm về Nghị định 59 ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; và Nghị định 61 ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và một số văn bản liên quan.