Bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, bắt đầu năm học 2019-2020, ngoài việc lên chương trình chuyên môn giảng dạy, nhiều trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn thành phố Phan Thiết còn tích cực thực hiện công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ. Bên cạnh việc dọn dẹp vệ sinh trường, lớp, tẩy trùng các thiết bị đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ bằng dung dịch CloraminB; thực hiện cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh thì việc chăm sóc đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ nâng cao sức đề kháng cũng được nhà trường chú trọng.
Tại trường mẫu giáo Phong Nẫm, để đảm bảo an toàn cho 180 trẻ, công tác vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng được trường thực hiện sát sao. Song song việc hướng dẫn trẻ cách rửa tay theo quy trình 6 bước thì giáo viên còn hướng dẫn cho phụ huynh để trẻ về nhà có thể được cha mẹ nhắc nhở việc giữ gìn vệ sinh. Đối với các phụ huynh không tham gia buổi họp đầu năm thì được giáo viên trao đổi trực tiếp lúc đưa đón trẻ và theo dõi bảng hướng dẫn trước mỗi lớp học. Nhờ vậy, mà đa số trẻ đang theo học tại trường mẫu giáo Phong Nẫm đều ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Bé Nguyễn Hoàng Yến – lớp Lá 1 rất rành về quy trình 6 bước rửa tay chia sẻ, trước mỗi giờ ăn bé đều rửa tay, sau khi ăn xong cũng rửa tay, lau khô rồi mới ngủ trưa và về nhà vẫn thường xuyên thực hiện.
Cô Đặng Thị Kim Út – Phó hiệu trưởng trường mẫu giáo Phong Nẫm cho biết năm học này, các lớp ở trường đều có số lượng học sinh khá đông, nên nếu xuất hiện một trẻ mắc bệnh, nguy cơ lây lan là rất cao. Vì vậy, không riêng gì bệnh tay chân miệng mà nhà trường luôn quan tâm phòng chống các loại bệnh mà độ tuổi này thường mắc phải. May mắn là điều kiện cơ sở vật chất tại trường được đảm bảo nên các giáo viên khá thuận lợi trong việc vệ sinh trường, lớp cùng với đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng tới các bậc phụ huynh, nên từ đầu năm học mới đến nay chưa xảy ra ca bệnh nào. Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Phan Thiết cũng thông tin, chưa nghe báo cáo dịch bệnh tay chân miệng xảy ra tại các trường học đang quản lý. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đặc biệt là tại các nhóm trẻ dân lập xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Cái khó trong công tác phòng chống dịch bệnh là có trường hợp nhà trường không nhận được sự hợp tác của phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh do bận công việc không ai coi trẻ và chủ quan con mình bệnh nhẹ nên giấu bệnh, vẫn tiếp tục cho trẻ đến trường, vô tình làm lây lan cho những trẻ khác. Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: theo biểu đồ bệnh của những năm gần đây, tình hình bệnh tay chân miệng năm nay có thể sẽ tương tự như các năm trước là gia tăng vào tháng 10 và 11; chiều hướng giảm lại vào tháng 4 và 5 năm sau. Như vậy, dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đồ chơi, bề mặt đồ vật nhiễm chất tiết của người bệnh và bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, việc phòng ngừa bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào các biện pháp như rửa tay, vệ sinh đồ dùng… và chỉ đạt hiệu quả khi ngoài thời gian trẻ trên lớp được giáo viên hướng dẫn thực hiện giữ gìn vệ sinh, thì các gia đình cùng chung tay bảo vệ trẻ tại nhà.