Qua 02 năm triển khai thực hiện Kết luận số 04-KL/TW, ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), các cấp, các ngành trong thành phố đã nhận thức rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; trong đó, các cấp uỷ đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với những nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với từng địa bàn và từng đối tượng cụ thể, góp phần tích cực tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Để triển khai thực hện nội dung trên đạt kết quả, Phan Thiết đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 20 đồng chi do Chủ tịch UBND thành phố làm Chủ tịch Hội đồng, Trưởng phòng Tư pháp thành phố làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Đối với các phường, xã có 18/18 xã, phường thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp với 216 thành viên. Đặc biệt thành phố đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên gồm 36 đồng, đây là lực lượng nồng cốt, quan trọng nhằm đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Ngoài đội ngủ báo cáo viên, thành phố còn có có 131 tổ hoà giải với 758 hòa giải viên. Các hòa giải viên ở cơ sở thông qua hoạt động hòa giải, đã lồng ghép tuyên truyền phổ biến, giới thiệu một cách cụ thể các quy định pháp luật vì vậy có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Về hình thức tuyên truyền cũng được vận dụng một cách linh hoạt, đa dạng vừa tuyên truyền miệng thông qua hội nghị, cuộc họp, tập huấn, giới thiệu văn bản, kết hợp biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu đến các đối tượng; phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa lưu động; xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; mở chuyên mục trên đài tuyền thanh... 2 năm qua đã in phát trên 10.000 tờ rơi, 500 tập tài liệu, 350 quyển Luật và trên 200 băng rôn tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; 8.047 tờ rơi, 529 áp phích tuyên truyền về việc lập lại trật tự đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đài truyền thanh mở chuyên mục“pháp luật và cuộc sống”;xây dựng mô hình “khu phố không có ma tuý”...Hội đồng giáo dục còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật như thi lái xe an toàn, thi viết, thi vấn đáp, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trong các tiểu phẩm được lồng ghép trong các hoạt động văn hoá, hội diễn nghệ thuật thông qua các loại hình sân khấu hóa đã được đông đảo tầng lớp cán bộ và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Song song với các cuộc thi, hội thi, các ngành, các địa phương còn tổ chức hội thao, hội diễn văn nghệ, hội diễn nghệ thuật không chuyên lồng ghép, đan xen với chương trình là các tiểu phẩm tuyên truyền phổ biến pháp luật đến cán bộ và nhân dân. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố còn phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức 04 tập huấn, tuyên truyền Luật khiếu nại, Luật tố cáo cho gần 2.000 lượt giáo viên tham dự. Công an thành phố phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ cho hơn 16.650 lượt giáo viên. Ngoài ra các trường học cũng chú trọng đến công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh thông qua việc giảng dạy pháp luật trong nhà trường; lồng ghép trong các bộ môn sinh học, giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt chủ nhiệm, chào cờ đầu tuần, nội dung phòng chống AIDS, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho; luât giao thông đường bộ khi tham gia giao thông cho hơn 24.000 lượt học sinh./.