Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/2013, Qua nghiên cứu lý luận, thực tiễn xã hội; tác giả viết chuyên đề về: “Vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong việc xây dựng gia đình văn hoá hiện nay” để cùng trao đổi, bàn luận với bạn đọc.
Sau mấy thập kỷ đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Hiện nay nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới: “Giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Cùng với việc tạo ra những điều kiện cần thiết, huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước thì một vấn đề đặt ra là phải chăm lo phát triển con người - nguồn lực của mọi nguồn lực. Xây dựng con người, phát huy nguồn lực con người để trở thành mục tiêu hướng tới trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia, dân tộc. Trong sự quan tâm đó, vấn đề gia đình đã được đặt lên bàn nghị sự của các nhà lãnh đạo, các chính khách. Bởi lẽ, quan tâm đến gia đình cũng đồng nghĩa với quan tâm con người, đến nhân tố có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Đất nước càng phát triển thì vấn đề nuôi dạy con cái có ý nghĩa to lớn và càng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nâng cao vai trò của người phụ nữ để họ làm tốt hơn vai trò của mình trong gia đình trong giai đoạn là vấn đề có ý nghĩa lớn lao. Như chúng ta đã biết: Gia đình là cái nôi vĩnh hằng của mỗi con người, một xã hội đặc biệt thu nhỏ của xã hội nói chung, là tổ ấm đem lại hạnh phúc cho mỗi con người. Từ khi lọt lòng cho đến suốt cuộc đời, mỗi cá nhân tìm thấy ở gia đình mình sự đùm bọc về vật chất và tình thần, tiếp thu sự giáo dưỡng về mọi mặt, hưởng thụ những niềm vui của cuộc sống, được động viên, chia xẻ khi gặp khó khăn, bệnh tật. Gia đình đảm bảo những điều kiện an toàn cho trẻ thơ phát triển, người già có nơi nương tựa không hiu quạnh cô đơn, người lao động được phục hồi sức khoẻ, lấy lại cân bằng tâm lý sau những giờ lao động mệt mỏi.
Với vai trò của người phụ nữ trên hai bình diện có liên quan gắn kết với nhau trong một nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hoá ngày nay. Đó là vai trò cá nhân người phụ nữ trong mỗi gia đình, với ba vai: người vợ, người mẹ và người chủ trong gia đình - người phụ nữ là một thành viên quan trọng làm nên gia đình văn hoá. Cùng với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, sự đổi mới của xã hội, vai trò của người phụ nữ trong gia đình không còn chỉ bó hẹp trong khuôn khổ tề gia nội trợ mà đã có sự thay đổi nhiều về giá trị xã hội, điều đó là hiển nhiên. Vì lẽ đó, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong mỗi gia đình ở thời kỳ mở cửa đất nước hiện nay đã có nhiều thay đổi theo hướng đổi mới tích cực, thể hiện rõ vai trò làm chủ của người phụ nữ trong gia đình. Nó khác xưa rất nhiều trên mọi phương diện từ quyền bình đẳng với chồng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái và cũng thấy rõ qua việc phát triển kinh tế gia đình theo hướng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc như tư tưởng chỉ đạo của Đảng, xin phân tích những vai trò đó của người phụ nữ qua những biểu hiện cụ thể sau đây:
* Vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng gia đình ấm no:
Hiện nay yêu cầu về ấm no của gia đình đã có những thay đổi căn bản so với trước đây, ở thành phố và các khu trung tâm đô thị và cả một số gia đình khá giả ở nông thôn, chỉ số gia đình ấm no không chỉ là ăn no, mặc ấm, hơn thế còn là ăn ngon, mặc đẹp, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
Trong mỗi gia đình, người phụ nữ thường được coi là người quản lý “Tay hòm chìa khoá” là người chăm lo mọi việc. Điều đó chứng tỏ địa vị kinh tế của người phụ nữ trong gia đình là không nhỏ. Ngày nay, để đảm bảo cho một gia đình hạnh phúc điều đầu tiên là gia đình phải có kinh tế phát triển, các thành viên trong gia đình phải được ăn no, mặc ấm, có sức khoẻ tốt, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Phụ nữ Việt Nam từ xưa đã luôn cùng chồng lo kinh tế gia đình. Ngày nay, với việc khẳng định phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì đây là một vấn đề quan trọng để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ, vấn đề này phải do mọi thành viên trong gia đình lo toan gánh vác. Việc đảm đương phát triển kinh tế ấy cũng được thể hiện rõ trên hai phương diện. Lo kiếm sống và điều tiết sự chi tiêu phân phối trong gia đình. Như vậy, xây dựng gia đình ấm no, là điều kiện đầu tiên cho gia đình được tồn tại, ổn định và xây dựng cuộc sống hạnh phúc tiến bộ, bởi lẽ sự nghèo đói là bạn đồng hành của tình trạng bất hoà, lục đục trong gia đình, với nạn bỏ học, lang thang, phạm tội của thế hệ trẻ. Xây dựng gia đình ấm no là làm cho tế bào xã hội bền vững góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
* Vai trò của người phụ nữ rong việc xây dựng gia đình bình đẳng
Bình đẳng trong gia đình, chính là mối quan hệ hiểu biết, cảm thông tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình: cha mẹ, vợ chồng, con cái... trong đó mối quan hệ giữa vợ và chồng có vị trí trung tâm, quan trọng nhất. Bình đẳng ở đây có nghĩa là: bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong gia đình mọi thành viên luôn luôn quan tâm, động viên giúp đỡ nhau, vượt qua những lúc khó khăn của đời sống, công tác cũng như trong mọi hoàn cảnh. Xây dựng một gia đình bình đẳng, có nghĩa mọi việc trong gia đình, mọi người đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với gia đình, những vấn đề lớn trong gia đình như: nghề nghiệp, làm kinh tế, nuôi dạy con, mua sắm các vật dụng đắt tiền trong gia đình phải có sự bàn bạc thống nhất giữa các thành viên nhất là vợ và chồng. Sự năng động sáng tạo của người phụ nữ trong lao động sản xuất, trong quản lý kinh tế gia đình, trong việc nuôi dạy con đã tạo cho họ được bình đẳng thực sự trong gia đình.
Trong quá trình CNH, HĐH đất nước, việc xây dựng gia đình tiến bộ phải được gắn chặt với vấn đề kế hoạch hoá gia đình, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiến bộ của gia đình còn phải được gắn liền với mối quan hệ với cuộc sống cộng đồng, với truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “vắng anh em xa mua láng giềng gần”, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn, chia ngọt xẻ bùi với xóm làng khu phố, góp phần bảo đảm sự bình yên cho mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Sự tiến bộ của gia đình, phải được thể hiện sự đồng lòng và nhất trí trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, chống tư tưởng “đèn nhà ai nấy rạng”, một người làm quan cả họ được nhờ, tư tưởng cục bộ, bản vị, chống tình trạng làm ăn phi pháp lôi kéo thế hệ trẻ vào con đường buôn bán gian lận, đặc biệt là tệ nạn buôn bán ma tuý, mại dâm.
* Vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ là cơ sở để xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc, trước hết đòi hỏi mọi thành viên phải được đảm bảo các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần, được hưởng bầu không khí cởi mở, đầy tình yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Hoà thuận là chuẩn mực của một gia đình tốt, là kết quả của sự bình đẳng, là tiền đề xây dựng hạnh phúc gia đình có sự thống nhất cao về mục đích, nội dung, phương pháp chăm sóc, nuôi dạy con cái, không can thiệp thô bạo và ép buộc đối với con cái. Hạnh phúc gia đình còn được thể hiện rõ ở nghĩa vụ và trách nhiệm cũng như quyền lợi giữa các thành viên. Trong xu thể phát triển chung của đất nước, phụ nữ không thể chấp nhận sự an phận, trông chờ và ỷ lại mà phải năng động, sáng tạo, giám nghĩ, giám làm, không chấp nhận cảnh túng quẫn, nghèo khổ để con cái có cơ hội học hành. Nghèo khổ thì khó có thể xây dựng được gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Thực hiện tốt được ba vai trò lớn trên thì người phụ nữ sẽ xây dựng tốt gia đình văn hoá, góp phần vào việc xây dựng khu phố, thôn, bản, làng văn hoá và một xã hội Việt Nam văn hoá và tiến bộ.